Cựu chiến binh, Trung tá Vũ Tấn Ích (ngoài cùng bên trái).  

Trước yêu cầu mới của cách mạng, để chuẩn bị cho tuyến chi viện chiến lược trên biển, cuối năm 1960, ông Vũ Tấn Ích được cấp trên điều trở lại miền Nam nắm địa bàn. Trước khi lên đường vào Nam, ông được Trung tướng Trần Văn Trà, Phó tổng Tham mưu trưởng và Đại tá Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Hải quân lúc bấy giờ gọi lên giao nhiệm vụ: Nắm chắc tình hình hải quân Mỹ, ngụy; nắm chắc tình hình chiến trường sông, biển miền Nam; bắt liên lạc với các địa phương, đơn vị ven biển... Sau hơn 3 năm bám chiến trường Quân khu 5, khi nắm chắc tình hình sông, biển, hải quân địch và bắt liên lạc với các địa phương, đầu năm 1963, ông được cấp trên điều quay trở ra miền Bắc làm Thuyền trưởng kiêm Chính trị viên và Bí thư Chi bộ Đội 06 (Tàu 56, Đoàn 579), để chi viện chiến lược cho miền Nam theo hướng biển.

Trước hôm lên đường, Trung tướng Trần Văn Trà ân cần căn dặn Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích: “Đồng chí là người chỉ huy cao nhất, độc lập quyết đoán xử trí mọi tình huống trên tuyến đường vận tải chiến lược đặc biệt này. Vì vậy, phải nắm chắc phương án, phương châm chiến đấu bám bờ là thắng lợi, bám bờ là chiến thắng vì sông, biển của ta, có nhân dân ta. Đồng chí chuyến này đi vào Bến Tre, chúc chuyến đi thành công, chờ tin thắng lợi...”. Nói rồi vị tướng nắm chặt tay, ôm từng chiến sĩ vào lòng, quyến luyến tiễn chân anh em ra tận mép nước. “Trời đang vào đông, gió lạnh thổi hun hút nhưng tất cả ai nấy đều thấy ấm áp bởi tình cảm của những người thủ trưởng, những người anh đáng kính”, ông Vũ Tấn Ích nhớ lại.

Con tàu rẽ sóng hướng về miền Nam trong đêm gió mùa Đông Bắc. Với bề ngoài là tàu đánh cá có đầy đủ ngư cụ, thuận gió, tàu hướng về vùng biển Bến Tre. Sau mấy ngày liên tục vượt sóng kình, tàu đến Bến Tre, lúc này phát hiện trong bờ có 4 tàu địch quét đèn pha tứ phía. Đã 3 giờ sáng mà chưa bắt được liên lạc với bờ, ông Ích mời cấp ủy lên đài chỉ huy hội ý. Tàu lại chạy ra vùng biển quốc tế tiếp tục ngụy trang chờ đợi. Biển đêm trong lòng địch, mỗi phút giây căng thẳng dài vô tận.

Đêm hôm sau, đúng giờ, thuyền trưởng lệnh tất cả sẵn sàng tiếp cận bờ theo phương án song không thể thực hiện được vì tàu địch vẫn rọi đèn pha, bắn pháo sáng rà quét căng thẳng, trong khi tàu vẫn chưa bắt được tín hiệu từ bờ. Với nhận định, cứ nhất quyết vào Bến Tre thì sẽ dẫn đến nguy cơ đụng địch, làm lộ tàu, thế nên ông Ích cho tàu xuôi về hướng Nam. Lúc này đã hơn 3 giờ sáng, đồng chí Điền thủy thủ trực ở mũi tàu báo cáo phát hiện có một thuyền dân đang thả lưới đánh cá, trên thuyền có 3 người. Tàu dừng lại áp sát mạn thuyền. Hết sức cẩn thận đề phòng, Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích ra lệnh những đồng chí ở Quân khu 5 không được tiếp xúc để tránh bị lộ và cử đồng chí Điền cùng đồng chí Sấm quê Nam Bộ ra hỏi thăm ngư dân nắm tình hình.

Biết là ngư dân vùng giải phóng, tàu theo thuyền đánh cá cập bến. Vừa vào Vàm Lũng (Cà Mau) thì nước cạn, tàu không vào được luồng. Khu đó không còn bóng thuyền, bóng dân vì mấy hôm tàu địch hoạt động. Lúc này tàu ngụy trang lưới cá gọn ghẽ, Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích cử đồng chí Lâm-Thuyền phó ở lại và dặn anh em vá lưới, phơi cá để che mắt địch, bất cứ giá nào cũng không được nổ súng. Sau đó ông và đồng chí Điền lội xuống để bắt liên lạc với cơ sở cách mạng. Đi một lúc thì gặp đồng chí Bông Văn Dĩa phụ trách bến của ta.

Sau nước lớn, tàu vào bến bốc hàng. Anh em trên tàu quyết tâm đề nghị cho bốc hàng nhanh, giải phóng tàu để về miền Bắc tăng chuyến quay vòng vận chuyển. Lúc này đang có gió mùa Đông Bắc nên thuyền chưa được lệnh ra khơi. Lực lượng bám bờ theo dõi quy luật hoạt động của tàu địch, khi có thời cơ lập tức báo cho tàu. Hai hôm sau, Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích chỉ huy tàu ngược gió mùa quay về theo hành trình cập cảng Đồ Sơn, Hải Phòng. Chuyến tàu ấy cả đi và về chưa đến 10 ngày. Đây là một thành công lớn, thể hiện ưu thế của vận chuyển hàng trên biển, vì nếu vận chuyển hàng theo đường bộ phải mất mấy tháng ròng. Sau chuyến đi thành công đầu tiên, anh em thủy thủ Tàu 56 được cấp trên biểu dương. Điều đó đã tiếp thêm động lực giúp các thủy thủ quyết tâm hơn nữa để vượt biển đưa hàng vào Nam thắng lợi.

Bài và ảnh: PHAN ĐỊNH