Để bảo đảm thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã huy động mọi lực lượng, phương tiện vận chuyển vật chất ra tiền tuyến. Tranh thủ thời cơ thuận lợi, ngay từ đầu mùa khô năm 1974-1975, Bộ đội Trường Sơn đã tổ chức nhiều chiến dịch vận tải với quy mô cấp trung đoàn xe tập trung, vươn xa, vào sâu; kết hợp sử dụng nhiều phương thức vận tải một cách linh hoạt, lấy vận tải cơ giới làm chủ yếu, với ôtô làm chủ lực. Kết hợp chặt chẽ 3 phương thức: Đường cơ giới, đường sông, đường ống, để chở quân, chở hàng, xăng dầu vào hậu cứ các hướng chiến trường Trị-Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ.
Cùng với vũ khí, đạn, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc quân y, nhiều mặt hàng khác cũng được chuyển vào chiến trường. Tính chung, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội Trường Sơn qua tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đã vận chuyển 1,5 triệu tấn hàng hóa, vũ khí, 5,5 triệu mét khối xăng, dầu chi viện cho miền Nam. Ngoài vận chuyển hàng quân sự, Bộ đội Trường Sơn còn bảo đảm đưa đón cán bộ, bộ đội, thương bệnh binh. Trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến giao thông vận tải Trường Sơn đã bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường, đưa hơn 650.000 lượt người từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh.
Trong 16 năm, bằng lòng dũng cảm và sự mưu trí, các lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn đã góp phần to lớn thực hiện một sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam - cơ giới hóa bộ binh, tạo nên khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh của các binh đoàn chủ lực. Từ làm nhiệm vụ soi mở đường, vận chuyển hàng quân sự từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam; tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra Bắc bằng các phương tiện thô sơ, Bộ đội Trường Sơn đã tiến lên tổ chức các sư đoàn ô tô vận tải, đáp ứng yêu cầu bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng.
VŨ HỒNG KHANH