Đầu năm 1970, chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt. Địch thực hiện chiến thuật "cóc vồ mồi", "tát nước bắt cá" ở những trọng điểm đầu tiên, sau đó phát triển ra toàn miền Đông Nam Bộ. Đảo Long Sơn (nay thuộc xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nằm trong lòng địch. Nơi đây, địch đưa một lữ đoàn hỗn hợp đến làm nhiệm vụ bình định cấp tốc, dồn 7.500 dân về ấp chiến lược. Nhớ lại tình hình lúc bấy giờ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Thụy, khi đó là Phân đội phó Phân đội 1, Đội Đặc công nước A32 (Đội A32), Thành đội Vũng Tàu, Tỉnh đội Bà Rịa-Long Khánh (nay là Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) kể: "Địch hãnh diện và ra rả huênh hoang rằng chúng sẽ tiêu diệt hết cộng sản, để đảo Long Sơn chỉ còn quân đội Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam cộng hòa. Chúng tăng cường càn quét, bắt bớ chiến sĩ cộng sản, buộc cổ để trâu kéo lê khắp trong ấp đến khi chết, nhằm đe dọa nhân dân không được theo cách mạng, uy hiếp lực lượng cách mạng trong lòng địch...".
 |
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Thụy (bên phải) cùng đồng đội ôn lại trận đánh giải phóng đảo Long Sơn.
|
Đội A32 nhận nhiệm vụ phân công một tổ chiến đấu phối hợp với du kích giải phóng đảo Long Sơn trong năm 1970. Sáng 1-4-1970, Đại úy Phan Công Tùng, Chính trị viên Đội A32 và Đại úy Nguyễn Văn Thính, quyền Đại đội trưởng Đội A32 giao đồng chí Nguyễn Đức Thụy làm xạ thủ B41 cùng tổ chiến đấu phối hợp với lực lượng du kích đánh trận này. Vốn là chiến sĩ đặc công, chưa từng sử dụng B41, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Đức Thụy tự học cách sử dụng B41, cách vận động B41 trên cạn và dưới nước rồi cùng xã đội trưởng Thắng thống nhất phương án tác chiến. Đức Thụy đề xuất chiến đấu giải phóng đảo Long Sơn theo phương án “chặt đầu rắn”-tức vận động tập kích từ biển vào lúc 12 giờ trưa, đánh tiêu diệt sở chỉ huy địch. Tuy nhiên, khi đồng chí Thắng báo cáo phương án thì cấp trên không thông qua vì lực lượng ta mỏng, tập kích vào sở chỉ huy địch rất nguy hiểm. Ngay đêm đó, Đức Thụy đến gặp Thành đội trưởng Hồ Thanh Xuân tại căn cứ trong rừng Sác, xin phép được chiến đấu, thể hiện rõ quyết tâm cùng ý tưởng cho trận đánh giải phóng đảo.
Anh hùng Nguyễn Đức Thụy hào sảng kể tiếp: "Chúng tôi với du kích trong đảo như anh em một nhà. Nhờ đó, chúng tôi thuận lợi trong việc thăm dò tình hình địch, nắm rõ toàn bộ khu vực. Thấy dân trong ấp nuôi rất nhiều trâu. Sáng trâu được lùa xuống biển tắm, rồi lên đồi ăn cỏ, chiều tối được lùa về. Hai bên đường xe be trâu kéo lên xuống tạo thành con đường mòn sâu vận động từ ấp lên sở chỉ huy của địch ở giữa đảo và từ biển lên, tỏa đi khắp nơi. Tôi nảy ra ý tưởng sử dụng các cháu chăn trâu tiếp cận với địch bằng cách đưa cá tươi đổi cho chúng hằng ngày, "làm thân" với chúng, dần dần khiến chúng chủ quan không để ý đến con đường ấy. Sau gần một tháng giãn địch, thời điểm thích hợp cũng đến".
Ngày 19-5-1970, phong trào thi đua lập thành tích chào mừng sinh nhật Bác được phát động trong đơn vị và lực lượng du kích đảo. Với tinh thần thà hy sinh tất cả, quyết tiêu diệt đến tên giặc cuối cùng, gần 12 giờ trưa, Đức Thụy chỉ huy tổ ba người, cùng đồng chí Hai Tài, Ba Lù xuất phát. Hóa trang như những "mãnh hổ", ba anh em hùng dũng từ rừng Sác vượt trung tuyến theo đường mòn vào trung tâm đảo, cách sở chỉ huy địch 100m. Tài mang một quả B41 giúp Thụy ở bên tay trái, Lù dùng AK chuẩn bị nhận lệnh phía bên tay phải. Xung quanh là bốn tên lính gác ở bốn góc. Chờ 12 tên sĩ quan chỉ huy của địch tắm xong, bắt đầu ngồi bàn ăn cơm đủ và đúng vị trí như mọi ngày, Thụy đứng thẳng trước mặt hai tên lính gác bắn quả B41 găm trước bàn ăn 3m, thiêu cháy 12 tên địch. Bất ngờ, địch không kịp nổ súng. Tiếng nổ của B41 chính là mệnh lệnh tấn công. Tài và Lù đồng thời tiêu diệt 2 tên lính gác trước mặt Đức Thụy, rồi bắn tiếp hai tên lính gác còn lại. Nhanh như chớp, Đức Thụy sử dụng quả B41 thứ hai bắn vào kho đạn cối cách đó 100m, hủy diệt hai phân đội cối của địch.
Liền sau đó, Đức Thụy lấy khẩu AK của Tài khoác vào người, ra lệnh cho Lù rút lui. 12 tên chỉ huy bị tiêu diệt, đội hình địch như rắn mất đầu, hoang mang, mất tinh thần chiến đấu. Thụy tiếp tục dùng AK vừa đi vừa "quét" những ổ lính ngồi ăn cơm hai bên. Xuống đến rừng Sác cách 300m thì quân của địch đuổi theo và dùng súng M79 bắn. Khói bốc lên, máy bay địch từ trên bắn xuống, bộ binh địch từ dưới bắn lên, suốt từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều chúng tiêu diệt lẫn nhau. Tổ 3 người vận động trong nước sang bến tàu để quan sát địch, nhìn về phía trung tâm, 3 chiếc trực thăng mang 12 tên bị cháy đen qua biển Vũng Tàu về Ô Cấp. Chiều, địch điều một lực lượng đến khiêng xác xuống tàu và chở đi.
Ngay giữa lòng địch, đảo Long Sơn được giải phóng 24 giờ. Đêm đó, cả hòn đảo đốt đuốc rực sáng. Dân trong ấp kéo đến đông như hội, cờ dong trống mở mừng chiến công giải phóng hòn đảo, mừng sinh nhật Bác. Chiến công của Đức Thụy và du kích đảo Long Sơn lừng lẫy khắp miền Đông Nam Bộ, làm khiếp đảm quân thù, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng.
Bài và ảnh: THU THỦY