Siêu pháo đài bay B-52 từng bước được “giải mã” để Bộ tư lệnh Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972 chuẩn bị lực lượng, xây dựng thế trận tổ chức đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ

Đầu tháng 9-1972, Quân chủng PK-KQ hoàn thành việc xây dựng kế hoạch đánh máy bay B-52. Những nội dung quan trọng nhất về nghệ thuật tác chiến chiến dịch cơ bản được xác định: B-52 là đối tượng tác chiến chủ yếu; lực lượng chủ yếu đánh máy bay B-52 là tên lửa phòng không; khu vực tác chiến chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng. Thế trận của Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972 chủ yếu là xây dựng thế trận đánh B-52, lấy lực lượng tên lửa làm cơ sở để tạo lập thế trận nhằm hạn chế điểm mạnh, khoét sâu yếu của địch để đánh địch hiệu quả. Trên cơ sở đó, Quân chủng PK-KQ gấp rút điều chỉnh lực lượng, bố trí thế trận phòng không phù hợp. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón đánh B-52.

leftcenterrightdel
Bộ đội tên lửa trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972. Ảnh tư liệu 

Do ta sớm dự kiến được đường bay cuối cùng của máy bay B-52 trước khi đánh bom vào Hà Nội, từ đó bố trí đội hình các đơn vị tên lửa thích hợp trên mỗi hướng, vừa bảo đảm an toàn mục tiêu bảo vệ, vừa bắn rơi được nhiều máy bay B-52. Để xây dựng thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc, trên cơ sở lực lượng tên lửa tham gia chiến dịch, Bộ tư lệnh Chiến dịch đưa tên lửa vào triển khai ở các trận địa chốt, các trận địa vòng trong. Cụ thể, cụm tên lửa ở Hà Nội gồm 3 trung đoàn tên lửa (257, 261, 274) thuộc Sư đoàn 361, cụm Hải Phòng có 2 trung đoàn tên lửa (238, 285) thuộc Sư đoàn 363, các trận địa được bố trí ôm sát mục tiêu, hình thành từng khu vực có trọng điểm, trên từng hướng trọng điểm bảo đảm trong mọi điều kiện tên lửa đều tập trung đánh B-52 và đánh được B-52.

Để thực hiện được yêu cầu này, Bộ tư lệnh Chiến dịch sử dụng không quân đánh chặn B-52 ở vòng ngoài theo cánh cung từ Yên Bái đến Thanh Hóa, sử dụng tên lửa ở Hải Phòng vừa trực tiếp đánh địch, bảo vệ mục tiêu, vừa làm nhiệm vụ đánh địch phía ngoài trên hướng Đông cho Hà Nội, bảo đảm thế trận chung của chiến dịch vừa rộng khắp, vừa có chiều sâu. Thực tiễn Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng năm 1972 đã chứng minh việc lập thế trận tên lửa phát huy được hiệu quả tối ưu nhất, tiêu diệt được nhiều B-52. Quân chủng PK-KQ bố trí các trung đoàn tên lửa phòng không chủ yếu ở Hà Nội, hướng đánh chủ yếu từ Tây-Tây Bắc, Tây Nam, Đông-Đông Nam, Bắc-Đông Bắc Hà Nội; bố trí thế đánh cả vòng trong và vòng ngoài, bảo đảm đánh địch từ nhiều hướng, đánh vào bên sườn, phía sau là chủ yếu. Quá trình tác chiến chiến dịch, thế trận của tên lửa phòng không luôn giữ được sự ổn định, phát huy tối đa sức mạnh, cùng các lực lượng PK-KQ vô hiệu hóa các thủ đoạn của địch, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ ngay từ trận đầu, ngày đầu.

Đêm mở đầu chiến dịch (18-12-1972), các tiểu đoàn 94, 57 và 59 (Trung đoàn 261) đánh tập trung vào một tốp B-52. Lúc 20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn 59 đã xác định chính xác dải nhiễu tốp B-52, liên tục bám sát dải nhiễu sáng đậm và sáng mịn, các trắc thủ điều khiển 2 tên lửa bằng phương pháp 3 điểm (T/T) bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 đầu tiên (rơi xuống Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội), cách trận địa gần 10km. Vào 4 giờ 39 phút ngày 19-12, Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257) phát hiện được B-52 bằng phương pháp bắn vượt trước nửa góc (PC) và sử dụng chế độ bám sát tự động, ở cự ly thích hợp, tiếp tục bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 thứ hai xuống cánh đồng xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Tây).

Sự mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu của bộ đội tên lửa trong đêm đầu tiên và những đêm tiếp theo đạt hiệu suất chiến đấu cao. Điển hình là trận đánh then chốt đêm 20-12, các kíp chiến đấu của bộ đội tên lửa vận dụng xạ kích linh hoạt, tích cực phát sóng để phát hiện tín hiệu B-52 trong nhiễu, đánh bằng phương pháp 3 điểm và phương pháp bắn vượt trước nửa góc, đồng thời nhanh chóng chuyển từ phương pháp 3 điểm sang phương pháp vượt trước nửa góc khi cần thiết để tiếp tục bắn rơi thêm 7 pháo đài bay B-52. Trong trận then chốt đêm 26-12, bộ đội tên lửa vận dụng cách đánh linh hoạt, liên tục bám sát địch và bắn rơi 6 máy bay B-52, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

Trong cuộc tập kích đường không chiến lược, để thu hút hỏa lực và đánh phá các trận địa tên lửa của ta, địch còn tung các tốp máy bay chiến thuật bay theo đội hình “giả B-52” hòng đánh lừa tên lửa ta. Nếu ta không tỉnh táo, nhận rõ mưu đồ của chúng mà phóng tên lửa đánh “B-52 giả” trận địa sẽ bị lộ. Khi đó địch sẽ phóng tên lửa tự dẫn Shrike tiêu diệt trận địa tên lửa, radar của ta.

"Tương kế, tựu kế", bộ đội tên lửa tổ chức lừa địch, vận dụng linh hoạt các phương pháp điều khiển, phương pháp bám sát và chọn cự ly phóng thích hợp, bình tĩnh “gạt” tên lửa tự dẫn của địch hiệu quả, bảo đảm an toàn trận địa. Mặc dù địch đã phóng hàng chục tên lửa tự dẫn vào trận địa của ta, nhưng chỉ có duy nhất một quả trúng đích.

PHẠM ANH TUẤN