Cũng trong giai đoạn này, đoàn cán bộ của Binh chủng Tên lửa có mặt ở chiến trường Vĩnh Linh, không chỉ có nhiệm vụ chỉ đạo Trung đoàn Tên lửa 238 mà còn nghiên cứu, từng bước lập "hồ sơ" về máy bay B-52, tổng hợp cơ sở thực tiễn, xây dựng cách đánh. Đoàn công tác đã cùng Trung đoàn Tên lửa 238 phác họa ra những vấn đề cơ bản đầu tiên về cách đánh B-52. Đặc biệt, sau chiến công của Trung đoàn Tên lửa 238 bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên vào ngày 17-9-1967, tập "hồ sơ" về B-52 được bổ sung những vấn đề hết sức quan trọng.

Trên cơ sở những kinh nghiệm đánh B-52 của Trung đoàn Tên lửa 238 năm 1967, 1968 và các tài liệu của Bộ đội Radar thu thập được về cách phát hiện B-52, năm 1969, Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ viết thành tài liệu "Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B-52", nội dung chủ yếu là đánh B-52 bằng phương pháp điều khiển "3 điểm" chống nhiễu. Tuy còn đơn giản nhưng bản dự thảo này đã bước đầu được sử dụng làm tài liệu huấn luyện cho các đơn vị tên lửa. 

leftcenterrightdel
Cuốn tài liệu về cách đánh B-52, năm 1972. 

Sau khi B-52 bị tên lửa của ta bắn rơi tại Vĩnh Linh, địch tìm mọi cách để tiêu diệt các trận địa tên lửa, đồng thời, chúng tập trung nghiên cứu cải tiến các trang thiết bị, thay đổi thủ đoạn và quy luật hoạt động của B-52 nhằm đối phó với tên lửa của ta. Yêu cầu đặt ra đối với ta là phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bản "Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B-52" đầu tiên. Tháng 4-1972, Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker I, sử dụng B-52 đánh phá miền Bắc nhằm thăm dò dư luận và sức mạnh của lực lượng PK-KQ ta. Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu cách đánh của địch, lấy đó bổ sung vào tài liệu "Cách đánh B-52". Tháng 7-1972, bản tài liệu tiếp tục được cập nhật, bổ sung thêm những nội dung mới.

Dự báo đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược với quy mô lớn vào miền Bắc, để tiếp tục tập trung nghiên cứu cách đánh B-52, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã thành lập tổ nghiên cứu biên soạn tài liệu "Cách đánh B-52". Tổ nghiên cứu đã bám sát các đơn vị hỏa lực ở chiến trường, đồng thời tích cực thu nhận, tổng hợp kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm chiến đấu của Bộ đội Radar, Tên lửa, Không quân... để phân tích về những vấn đề: "Triệu chứng" B-52 sắp hoạt động, đặc điểm nhiễu, độ rộng, cường độ, số lượng dải nhiễu trên màn hiện sóng; kinh nghiệm trong cách chọn thống nhất dải nhiễu, bám sát, cách phân biệt B-52 thật với B-52 giả và các loại máy bay chiến thuật khác; cách xử lý khi thao tác chiến đấu, chọn phương pháp điều khiển, cự ly phóng, thời cơ phát sóng, thực hành xạ kích...

Tháng 10-1972, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã tổ chức hội nghị dân chủ bàn về cách đánh B-52. Tại hội nghị, các câu hỏi: Tại sao chỉ thấy tín hiệu B-52 khi chúng bay ngang hoặc bay vào ở cự ly nhất định? Cách vận dụng xạ kích trong trường hợp này? Phương pháp phân biệt các tốp B-52 thật với các tốp B-52 giả? Kỹ thuật chuyển đổi từ phương pháp điều khiển "3 điểm" sang phương pháp "vượt trước nửa góc"? Vấn đề chống tên lửa không đối đất shrike?... được hội nghị bàn luận và giải đáp, bổ sung vào "Cách đánh B-52". 

Sau hội nghị này, tập tài liệu "Cách đánh B-52" được hoàn chỉnh, gồm 29 trang, có 12 nội dung lớn, đóng bằng bìa màu đỏ nên thường được gọi là cẩm nang bìa đỏ "Cách đánh B-52". Cuốn cẩm nang chính thức được sử dụng làm tài liệu để huấn luyện Bộ đội Tên lửa về cách đánh B-52 trước khi bước vào cuộc chiến đấu với "siêu pháo đài bay" cuối tháng 12-1972.

HIỀN VĂN