Tháng 4-1966, khi không quân Mỹ đưa B-52 đánh phá khu vực Vĩnh Linh (Quảng Trị) để chuẩn bị leo thang đánh ra miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng PK-KQ: “B-52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú...”. Tiếp đó, cuối năm 1967, trong buổi làm việc với đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Bác đã nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Sở dĩ chúng ta phải đặc biệt quan tâm nghiên cứu cách đánh và quyết bắn rơi loại máy bay này từ sớm vì tính chất nguy hiểm của B-52. Đây là loại “siêu pháo đài bay” với công nghệ tiên tiến nhất vào thời điểm ấy mà đế quốc Mỹ tự hào là “pháo đài bay bất khả xâm phạm”; “không thể bị bắn rơi bởi bất cứ vũ khí nào của đối phương”. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang”, từ năm 1966 đến 1972, Quân chủng PK-KQ đã 4 lần đưa tên lửa và các đơn vị radar, không quân, trinh sát điện tử, các “đoàn công tác B” vào chiến trường Khu 4 để phối hợp chiến đấu với Bộ đội Tên lửa và cùng nghiên cứu cách đánh B-52.
 |
Xác máy bay B-52 bị quân ta bắn rơi ngay trong đêm 18-12-1972, trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh tư liệu |
Thực tiễn chiến đấu đã giúp Bộ đội PK-KQ nắm rõ quy luật hoạt động của B-52, đó là: Trước khi B-52 đánh phá, địch thường tổ chức trinh sát kỹ lưỡng, gây nhiễu ngoài đội hình; tổ chức máy bay cường kích đánh phá dọn đường, tổ chức máy bay chiến thuật để chặn kích bảo vệ B-52. Biết cách phân biệt giữa nhiễu của B-52 với nhiễu của EB-66, nhiễu của B-52 với nhiễu của máy bay cường kích chiến thuật; cách phân biệt giữa máy bay B-52 thật và các tốp máy bay chiến thuật tạo giả B-52.
Rút kinh nghiệm qua các trận đánh, ta chưa bắn rơi tại chỗ B-52 là do không có điều kiện đánh tập trung để tạo bội số chồng lớn cho vùng sát thương. Hơn nữa, do góc che khuất lớn nên khó chọn trận địa bắn có lợi để triển khai được nhiều bệ phóng; đội hình tên lửa bố trí phía sau mục tiêu bảo vệ, cách đánh chưa linh hoạt. Bộ đội Không quân khó vượt qua hàng rào bảo vệ và chỉ phóng một tên lửa vào B-52 nên không rơi tại chỗ. Đây là những kinh nghiệm vô cùng quý giá sau nhiều năm chiến đấu với không quân địch để Quân chủng PK-KQ nghiên cứu biên soạn tài liệu “Cách đánh B-52” - hay còn gọi là "Cẩm nang bìa đỏ".
Tài liệu “Cách đánh B-52” đã đi sâu giải quyết những nội dung cơ bản về xạ kích, như: Cách bố trí đội hình chiến đấu đánh địch tập trung; cách chọn dải nhiễu B-52, phân biệt B-52 thật, giả; chọn phương pháp điều khiển, cự ly phóng, thời cơ phóng; xử lý tình huống khi thấy hoặc không thấy mục tiêu trong nhiễu, chuyển hoặc không chuyển phương pháp điều khiển; chế độ bám sát để nâng cao hiệu quả xạ kích; thực hiện đánh bồi, đánh nhồi để B-52 rơi tại chỗ... Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ tin tưởng vào khí tài, tin tưởng vào cách đánh và khả năng bắn rơi tại chỗ B-52. Đặc biệt, đêm 22-11-1972, tại Nghệ An, Tiểu đoàn 43 và 44, Trung đoàn Tên lửa 263 (nay thuộc Sư đoàn 367, Quân chủng PK-KQ) đã thực hiện một trận đánh hiệp đồng và bắn rơi một chiếc B-52 trong điều kiện nhiễu phức tạp. Đây là chiến công có ý nghĩa quan trọng, bổ sung những kinh nghiệm và hoàn thiện tài liệu “Cách đánh B-52” của Bộ đội Tên lửa để huấn luyện cho các đơn vị trước khi bước vào trận quyết chiến tháng 12-1972.
Sát cánh cùng các đơn vị và đội ngũ cán bộ nghiên cứu cách đánh B-52 là các kỹ sư, các nhà khoa học của Việt Nam và Liên Xô. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, khí tài, họ luôn tích cực nghiên cứu cải tiến kỹ thuật để nâng cao khả năng, hiệu quả tiêu diệt máy bay địch. Chỉ tính riêng khí tài tên lửa, từ khi đưa vào Việt Nam năm 1965 đến 1972, tên lửa SAM-2 đã qua 5 giai đoạn cải tiến với 39 đề tài lớn nhỏ, làm cho bộ khí tài tên lửa từng bước được nâng cấp để đối phó với các thủ đoạn mới của không quân Mỹ, nhất là các thủ đoạn gây nhiễu điện tử.
Bên cạnh đó, ngay từ rất sớm, ngành tình báo quân sự đã tìm hiểu, nắm chắc về âm mưu, thủ đoạn, phương thức tác chiến của địch; phân tích, đánh giá, dự báo ý đồ của đế quốc Mỹ sẽ sử dụng B-52 đánh phá miền Bắc. Cùng với tin tức của điệp báo chiến lược, lực lượng trinh sát kỹ thuật thu thập được nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của không quân địch trong quá trình chuẩn bị đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc vào tháng 12-1972. Những tin tức tình báo tin cậy, quan trọng này đã góp phần giúp Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo lực lượng PK-KQ nghiên cứu cách đánh, xây dựng kế hoạch đánh B-52.
Không chỉ nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 trước khi bước vào chiến dịch, sau những trận đánh đầu tiên đêm 18-12-1972, Quân chủng PK-KQ đã chỉ đạo các đơn vị học tập, rút kinh nghiệm cả những trận đánh không thành công và những trận bắn rơi tại chỗ B-52. Sau thắng lợi rực rỡ của giai đoạn 1, lực lượng PK-KQ tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm về cách đánh, tăng cường lực lượng, chuyển hóa đội hình chiến đấu. Do vậy, bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch, chúng ta tiếp tục bắn rơi nhiều máy bay B-52.
TRẦN VĂN ẢNH