Căn cứ vào thế bố trí lực lượng địch, địa hình, khả năng bảo đảm vũ khí, hậu cần của ta, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chọn địa bàn tác chiến gồm các huyện: Sơn Tịnh, Bình Sơn, Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi). Đây là nơi xung yếu của địch, nhưng cũng chính là nơi địch có nhiều sơ hở và chủ quan. Nếu tính từ giới tuyến tạm thời (Quảng Trị) trở vào thì Quảng Ngãi là tỉnh cuối cùng của vùng 1 chiến thuật của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Trên địa bàn rộng lớn này, địch phải tập trung một lực lượng lớn để bảo vệ các thành phố: Huế, Đà Nẵng. Với việc chọn địa bàn tác chiến chiến dịch là vùng bắc tỉnh Quảng Ngãi, ta đã khoét sâu chỗ yếu của địch là lực lượng của chúng tương đối ít, đóng quân phân tán trên địa bàn rộng, bộc lộ những sơ hở, chủ quan so với những nơi khác, vì thế ta tạo được yếu tố bất ngờ.
 |
Bộ đội phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Quảng Ngãi giúp dân phá ấp chiến lược của Mỹ-ngụy. Ảnh tư liệu |
Về hướng tiến công chiến dịch, ta xác định ba hướng, trong đó hướng chủ yếu là bắc sông Trà Khúc, hướng thứ yếu ở phía nam sông Trà Khúc và hướng phối hợp ở khu vực phía đông đường sắt và Quốc lộ 1 kéo dài đến biển; đó là những nơi rất nhạy cảm về chính trị và quân sự. Trên hướng chủ yếu, ta tập trung tiêu diệt địch ở vùng Tây Sơn Tịnh, trọng điểm là đồn Ba Gia, còn gọi là Gò Cao (nay thuộc xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Dự kiến mục tiêu đánh trận then chốt mở màn chiến dịch, khi địch từ Ba Gia ra ứng viện, trong đó điểm quyết chiến ở núi Khỉ, núi Tròn. Tiếp đó, trận đánh then chốt quyết định dự kiến ở đoạn đường từ thị xã Quảng Ngãi lên Ba Gia với mục tiêu quyết chiến ở làng Phước Lộc. Trên địa bàn phía tây các huyện: Sơn Tịnh, Bình Sơn và đoạn đường từ Trà Bồng đi Ba Lãnh mục tiêu trọng điểm là phá “ấp chiến lược”, giành dân. Ở hướng thứ yếu, ta chọn vùng phía tây hai huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa làm mục tiêu trọng điểm để tiêu diệt lực lượng địa phương quân của địch, mở mảng giành dân. Ở hướng phối hợp, ta cũng mở mảng giành dân, mở rộng và bảo vệ vùng giải phóng.
Chiến dịch diễn ra qua ba đợt. Đợt 1, từ ngày 28-5-1965 đến 7-6-1965, trên hướng chủ yếu, khi ta tiến công vị trí Duyên Phước, mở đầu chiến dịch. Khi nắm được tin một đại đội của tiểu đoàn 1 địch rút khỏi đồn Ba Gia đến đóng quân dã ngoại ở Núi Tròn, sáng 29-5, bộ đội ta tập kích ấp chiến lược Phước Lộc, buộc địch ở Núi Tròn phải đến ứng cứu. Quân ta vừa chống trả, vừa rút lui về phía đông để nghi binh, khiến địch huy động toàn bộ lực lượng còn lại của tiểu đoàn 1 rời khỏi đồn đến phối hợp truy đuổi. Tận dụng thời cơ, Tiểu đoàn 90 bí mật tiếp cận, hình thành thế áp sát, bất ngờ đánh vào sườn đội hình quân địch, loại khỏi vòng chiến đấu tiểu đoàn 1, kết thúc trận then chốt mở màn chiến dịch.
Tiếp đó, Trung đoàn bộ binh 1 đánh trận then chốt thứ hai, lần lượt tiến công địch ở điểm cao 47, đồi Mã Tổ, làng Phước Lộc, núi Chóp Nón. Đến sáng 31-5-1965, ta tiêu diệt hoàn toàn các cụm quân địch. Chiến đoàn 51 của địch vừa thành lập đã bị xóa sổ. Trên hướng thứ yếu, bộ đội ta tập kích, chặn đánh cuộc càn quét của địch ở Hành Đức, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu hoàn thành nhiệm vụ.
Đợt 2, từ ngày 10-6 đến 25-6-1965, ta giành thắng lợi lớn. Bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương đã hỗ trợ nhân dân nổi dậy, phá hơn 100 ấp chiến lược, buộc địch phải huy động lực lượng ở Chu Lai lên trấn giữ Dốc Sỏi, Châu Ô, để tạo hành lang bảo vệ vùng chiếm đóng của chúng.
Đợt 3, từ ngày 4-7 đến 20-7-1965, trên cơ sở kết quả đạt được, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng hai tiểu đoàn 40 và 45 tiến công địch ở đồn Ba Gia, do tiểu đoàn 1 (trung đoàn 51) trấn giữ. Đúng 1 giờ 45 phút ngày 5-7, bộ đội ta tiến công đồn Ba Gia. Bằng cách đánh bất ngờ và lực lượng áp đảo, sau 35 phút chiến đấu, ta làm chủ hoàn toàn trận địa, diệt gọn tiểu đoàn địch, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng. Thừa thắng, từ ngày 6 đến 19-7, các đơn vị ta tiếp tục tổ chức những trận đánh nhỏ để mở mảng, mở vùng, hỗ trợ nhân dân đấu tranh, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, gồm 27 xã với hơn 167.000 dân. Ngày 20-7, ta chủ động kết thúc chiến dịch.
Thắng lợi của Chiến dịch Ba Gia chứng tỏ rằng, lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5, ta mở chiến dịch tiến công với quy mô đơn vị cấp trung đoàn tăng cường mà đạt hiệu quả lớn. Thành công nổi bật của chiến dịch do ta chọn địa bàn tác chiến xung yếu của địch, nhưng lại là nơi địch có nhiều sơ hở chủ quan; chọn đúng hướng và mục tiêu tiến công, khoét sâu chỗ yếu và hạn chế những điểm mạnh của địch, giành được yếu tố bất ngờ; đồng thời vận dụng cách đánh linh hoạt, từ đánh điểm, diệt viện, tìm cách tách quân địch ra thành từng cụm, tạo thế chuyển từ phục kích sang đánh vận động, từ đánh vận động ban ngày sang đánh tập kích ban đêm đạt hiệu quả cao, hoàn thành xuất sắc mục tiêu chiến dịch đề ra.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP