16 giờ ngày 18-12-1972, Tiểu đoàn 77 được cấp trên thông báo: Máy bay B-52 của Mỹ đang chuẩn bị cất cánh vào đánh phá Hà Nội. Tiểu đoàn 77 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn đã tập trung hỏa lực tiêu diệt máy bay địch. Đêm 18-12, Tiểu đoàn đánh hai trận: Trận thứ nhất, kíp chiến đấu vừa phát sóng đã gặp tình huống chống tên lửa shrike, tên lửa địch nổ cách trận địa 30m. Trận thứ hai, do nhiễu quá nặng không phát hiện được tín hiệu mục tiêu nên phải đánh bằng phương pháp mới, nhưng không đạt kết quả.

Sau hai trận chiến đấu đêm 18-12 và một số trận đánh B-52 trước đó chưa đạt hiệu quả, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 77 tổ chức rút kinh nghiệm và tìm cách bắn rơi bằng được B-52. Qua thực tiễn chiến đấu, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn nghĩ cách dùng phương pháp phát sóng nhanh, khi gặp đúng dải nhiễu B-52, theo dõi không quá 10 giây, tắt radar và phát lệnh phóng tên lửa. Thực hiện cách bắn như vậy, thuật ngữ quân sự gọi là đánh “vượt nửa góc”. So với cách đánh “bắn ba điểm” được huấn luyện, cách đánh “vượt nửa góc” nguy hiểm hơn rất nhiều, do địch có thể dùng tên lửa tiến công trận địa ta nếu không tắt sóng radar kịp thời nên đòi hỏi các trắc thủ phải dũng cảm, thao tác nhanh gọn, phối hợp đồng bộ.

Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 trong Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Ảnh tư liệu 

Một trong những trận đánh tiêu biểu nhất của Tiểu đoàn 77 thực hiện theo cách đánh “vượt nửa góc” diễn ra đêm 20 rạng sáng ngày 21-12, khi các tốp B-52 cất cánh từ căn cứ Mỹ ở Utapao (Thái Lan) bay vào đánh phá Hà Nội với mục tiêu chính là Đài Tiếng nói Việt Nam. Lúc 4 giờ 30 phút, Tiểu đoàn được lệnh đánh tốp B-52 ở phương vị 197 bằng phương pháp tự động, chế độ điều khiển đón nửa góc. Bình tĩnh, tự tin vào cách đánh sở trường của mình, kíp chiến đấu được lệnh chuyển sang chế độ bám sát tự động.

Tiểu đoàn trưởng lệnh phóng 2 quả đạn: Quả 1 cự ly 26km, quả 2 cự ly 25km, phương vị 200, giãn cách 6 giây; phương pháp bám sát tự động, chế độ điều khiển đón nửa góc. Hai quả đạn gặp mục tiêu và nổ tốt, chiếc B-52 bốc cháy, rơi xuống cánh đồng xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Cũng trong đêm 20-12, phát hiện tốp B-52 từ xa, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 77 bám sát mục tiêu, phóng 2 quả đạn tên lửa, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52 ở xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Tiếp đó, 5 giờ 9 phút ngày 21-12, Tiểu đoàn phóng 2 quả đạn, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52 ở thị xã Phúc Yên (nay là TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). 23 giờ 4 phút ngày 27-12, Tiểu đoàn 77 được lệnh chiến đấu, phóng 2 quả đạn, bắn rơi thêm 1 chiếc B-52.

Thắng lợi của Tiểu đoàn 77 thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo, vận dụng cách đánh “vượt nửa góc” hiệu quả, là một trong những tiểu đoàn tên lửa bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất (4 máy bay B-52, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ).

Chiến thắng của Tiểu đoàn 77 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, làm phong phú thêm kinh nghiệm bắn rơi tại chỗ B-52, mở ra triển vọng mới về cách đánh, góp phần vào Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

DƯƠNG ĐÌNH LẬP