Cuối năm 1944 đầu 1945, nạn đói xảy ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ làm khoảng hai triệu người bị chết.
Để giải quyết nạn đói và tập hợp nhân dân đứng lên đấu tranh đánh đuổi phát xít Nhật và tay sai, tháng 3-1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đề ra khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, phong trào phá kho thóc cứu đói đã lan rộng khắp các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Riêng hai huyện Nho Quan và Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), đã phá 12 kho thóc. Tại Hải Dương, nhân dân giành lại được 39 kho thóc và 43 thuyền gạo. Trong khi đó, ở Thái Bình, hơn 1.000 tấn thóc trong các kho của Nhật được phá, chia cho dân. Ở miền Nam mặc dù không bi thảm như miền Bắc, nhưng cũng đã nổ ra phong trào phá kho thóc, chia cho dân nghèo và cứu tế miền Bắc... Hàng nghìn kho thóc của Nhật bị phá, có kho chứa tới 5.000 tấn. Hàng triệu người thoát chết vì được chia thóc.
 |
Lực lượng Việt Minh hỗ trợ dân phá kho thóc. Ảnh tư liệu |
Phong trào phá kho thóc năm 1945 không chỉ giải quyết nạn đói trước mắt mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Quần chúng nhân dân không chịu được ách thống trị độc ác của phát xít Nhật, thực dân Pháp và tay sai. “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” giúp đồng bào ta như được đón tết của Việt Minh, càng tin tưởng, ủng hộ Việt Minh và nhận ra rằng: Chính phát xít, thực dân và địa chủ phong kiến tay sai là thủ phạm gây ra nạn đói. Muốn thoát khỏi nạn đói, thoát khỏi ách nô lệ thì phải theo Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, các tổ chức cứu quốc, những cuộc đấu tranh phá kho thóc Nhật là hình thức tập hợp đông đảo quần chúng tham gia đấu tranh kinh tế để giải quyết nạn đói trước mắt tới đấu tranh chính trị, rồi kết hợp đấu tranh vũ trang từ thấp lên cao. Sau khởi nghĩa từng phần thì phong trào phá kho thóc Nhật là hình thức thích hợp nhất lúc bấy giờ để phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.
Trong Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, V.Lênin và những người cộng sản đề ra khẩu hiệu “Hòa bình, bánh mì và ruộng đất”, qua đó đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhất là nông dân và công nhân vùng lên đấu tranh lật đổ chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản, thành lập Nhà nước Nga Xô viết. Còn trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đề ra khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” đã đáp ứng nguyện vọng cấp bách của quần chúng, vì thế đã lôi cuốn hàng triệu người dân tạo nên sức mạnh để đấu tranh giành độc lập. Đó là một sáng tạo chiến lược của Đảng trước vận mệnh khó khăn của dân tộc.
SƠN BÌNH
QĐND - Tại phòng số 7, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đang trưng bày và giới thiệu với công chúng một số hình ảnh về nạn đói xảy ra năm 1945, trong đó có chiếc đầm đã dùng để phá khóa cửa kho thóc của chủ Ấp Phù Cốc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên...