Tại phòng số 7, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đang trưng bày và giới thiệu với công chúng một số hình ảnh về nạn đói xảy ra năm 1945, trong đó có chiếc đầm đã dùng để phá khóa cửa kho thóc của chủ Ấp Phù Cốc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên...
 |
Chiếc đầm dùng phá kho thóc của nhân dân Hưng Yên năm 1945.
|
QĐND - Tại phòng số 7, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đang trưng bày và giới thiệu với công chúng một số hình ảnh về nạn đói xảy ra năm 1945, trong đó có chiếc đầm đã dùng để phá khóa cửa kho thóc của chủ Ấp Phù Cốc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Chiếc đầm này do ông Nguyễn văn Thiệp, thôn Đỗ Hạ, xã Quang Vinh (Ân Thi, Hưng Yên) trao tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Do chính sách kinh tế chiến tranh và ra sức vơ vét lương thực của bọn phát xít Nhật-Pháp, thâm độc nhất là chủ trương thu thóc gạo từ mùa xuân năm 1942 của chúng làm cho nhân dân nước ta lâm vào nạn đói. Chỉ trong một thời gian ngắn (cuối năm 1944 đầu năm 1945), nạn đói do chính sách của phát xít gây ra đã làm chết khoảng 2 triệu người Việt Nam. Đặc biệt, tại tỉnh Nam Định có 30 vạn người chết đói; tỉnh Thái Bình 28 vạn người chết đói; có nơi chết cả làng. Đúng lúc đó, Đảng ta đề ra khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”. Cuộc đấu tranh của hàng triệu quần chúng để phá kho thóc, chống đói đã diễn ra dưới nhiều hình thức từ thấp đến cao. Nhiều nơi đã kết hợp việc phá kho thóc với phá chính quyền địch, sáng tạo ra nhiều hình thức tổ chức và đấu tranh.
Nhân dân huyện Ân Thi (Hưng Yên), cũng đứng lên phá kho thóc của giặc Nhật và bọn địa chủ. Do kho thóc của chủ ấp Phù Cốc khóa và chèn cửa rất vững, nhân dân vào nhà ngang lấy cái đầm này cùng vồ đập đất, dao, cuốc, thuổng, phá khóa cửa kho thóc. Nhân dân vào kho lấy thóc suốt từ sáng đến chiều. Ông Nguyễn Văn Thiệp là một trong nhiều người tham gia phá kho, lấy thóc chia cho dân nghèo. Trong suốt thời kỳ kháng chiến, ông Thiệp vẫn cất giấu và giữ gìn chiếc đầm từ ngày ấy cho tới tháng 8-1956 thì chuyển giao cho Ty Văn hóa Hưng Yên.
Những cuộc biểu tình vũ trang phá kho thóc của Nhật là hình thức thích hợp nhất lúc bấy giờ để phát động quần chúng và dẫn dắt hàng triệu người tham gia cách mạng.
Bài và ảnh: Hoàng Hội