Tháng 2-1970, Thượng tá Trần Văn Trân, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 1 cùng một số cán bộ, chiến sĩ trinh sát và y sĩ Nguyễn Văn Thương lên căn cứ “R” ở Tây Ninh, nơi đặt trụ sở của Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền để báo cáo kế hoạch tác chiến.
Khi hành quân đến bờ kênh Vĩnh Tế thuộc tỉnh An Giang thì bị thám báo địch phát hiện, chúng liền báo về sở chỉ huy và dùng máy bay thả pháo sáng, bắn rocket. Y sĩ Nguyễn Văn Thương bị trúng đạn và hy sinh.
Tình huống "ngàn cân treo sợi tóc", không để tài liệu quan trọng vào tay địch, Sư đoàn trưởng Trân lấy túi thuốc, súng tiểu liên AK của y sĩ Thương và bàn giao lại ba lô tài liệu cho đồng chí Thành là Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát, rồi căn dặn: “Bằng mọi cách đồng chí phải giao lại chiếc ba lô này cho Bộ tư lệnh sư đoàn. Tôi và anh em còn lại đánh lạc hướng địch để đồng chí bí mật cơ động thoát khỏi vòng vây của địch”.
 |
Ảnh minh họa / qdnd.vn |
Sau đó, do lực lượng quá chênh lệch nên đồng chí Trần Văn Trân và một số đồng chí trong tổ công tác bị địch bắt, có đồng chí hy sinh, nhưng chiếc ba lô đựng tài liệu mật đã được Đại đội trưởng Thành về giao lại cho đồng chí Nguyễn Viên, Chính ủy Sư đoàn 1, bảo đảm an toàn.
Khi bị địch bắt vào tù, đồng chí Trân khai mình là y sĩ Nguyễn Văn Thương với cấp bậc thượng sĩ (theo thẻ căn cước của đồng chí Thương). Địch nghi ngờ, tra khảo: Tại sao già thế này mới chỉ quân hàm thượng sĩ? Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân bình thản trả lời: “Vì tôi mới học sơ cấp nên quân hàm chỉ thế thôi. Chúng tôi muốn có quân hàm cao hơn thì phải đi học tiếp, nhưng tôi bận chăm sóc thương binh thường xuyên nên không có thời gian đi học”.
Tất cả anh em ta dù bị địch tra tấn dã man nhưng không ai khai nửa lời. Bị tù đày ở Cần Thơ, sau chuyển đi nhà tù Hố Nai-Suối Máu (Biên Hòa), ở nhà tù nào Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân cũng liên hệ với anh em giữ vững khí tiết, không đầu hàng giặc. Trong nhà tù Hố Nai-Suối Máu, ông còn chữa bệnh cho cả tên cai ngục, tạo sự tin tưởng với địch, làm vỏ bọc để hoạt động cách mạng.
NGUYỄN VĂN ĐOÀN
(Ghi theo lời kể của Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4)