Có những hình ảnh trước đây chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng và game thì trong tương lai sẽ trở thành hiện thực trên chiến trường nhờ những tiến bộ khoa học và công nghệ, thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mang lại.

Nhân loại đang bước vào kỷ nguyên của cuộc CMCN 4.0, dựa trên 3 lĩnh vực chủ yếu: Kỹ thuật số (bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (Internet of Things-IoT), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI); công nghệ sinh học; tự động hóa (robot thế hệ mới, in 3D, xe tự lái); các vật liệu mới, công nghệ nano, khoa học về vật liệu tiên tiến… cuộc CMCN 4.0 đã và đang tạo ra bước phát triển đột phá trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực quân sự, cuộc CMCN 4.0 đang tác động lớn đến sự phát triển của vũ khí, khí tài thông minh, dẫn đến sự thay đổi về tổ chức quân đội và phương thức tiến hành chiến tranh.

Cán bộ, nghiên cứu viên Viện Kỹ thuật Quân chủng Hải quân trao đổi giải pháp ứng dụng tích hợp công nghệ. Ảnh: XUÂN GIANG

Hiện nay, trên thế giới, đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển vũ khí thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo là Nga và Mỹ. Theo các chuyên gia quân sự, Nga đã vượt Mỹ và các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển robot chiến thuật, sử dụng trí tuệ nhân tạo. Các robot chiến đấu sử dụng trí tuệ nhân tạo của Nga có thể hoạt động hoàn toàn tự chủ, thích ứng với các điều kiện khác nhau của môi trường hay sự thay đổi của chính nó để đạt được các mục đích đặt ra. Robot này có tên gọi FEDOR, có kích thước giống như người thật, có khuôn mặt, đôi mắt, miệng theo thẩm mỹ con người. Đặc biệt, robot có khả năng tự bảo dưỡng (ví dụ tự nạp pin); tự học hoặc đạt được những khả năng mới mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài; tự điều chỉnh hoạt động phù hợp với môi trường xung quanh và thích ứng với tình huống mới; tự tương tác với con người và môi trường; có khả năng bắn súng, nâng vật nặng và lái xe. Ngoài ra, Nga cũng tích cực đầu tư nghiên cứu phát triển các robot chiến đấu “khái niệm mới”, sử dụng trí tuệ nhân tạo có tên gọi “Avatar”, vừa có thể nhận biết và mô phỏng động tác của người điều khiển, đồng thời phản hồi lại đối với cảm nhận thị giác, thính giác và xúc giác của thế giới bên ngoài và robot in 3D, có thể "in" ra các phương tiện chiến đấu trong một thời gian ngắn.

Mỹ tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển các máy bay không người lái chiến đấu (UCAV) và đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ tăng tỷ lệ sử dụng UCAV lên 70% trong tổng số phương tiện bay. Các UCAV sử dụng trí tuệ nhân tạo, "trí tuệ bầy đàn" (swarm intelligence), hoạt động trong sự liên lạc, kết nối với nhau và có thể thay đổi cấu hình để hoàn thành nhiệm vụ thay cho các UCAV bị tổn thất khác. Một bầy đàn UCAV hoạt động trên khu vực chiến trường, có thể tự động định vị bản thân và thu được toàn bộ hình ảnh trên mặt đất, bất kể là chỗ lồi lõm hay che giấu, cho phép các UCAV tiến hành trinh sát và tiến công chính xác. Ngoài ra, Mỹ cũng đầu tư nghiên cứu phát triển các tên lửa hành trình tiến công mặt đất, tên lửa không đối đất, đạn tiến công thông minh, có thể "tự suy nghĩ" và ra quyết định tiến công mục tiêu để đạt hiệu quả cao nhất...

Đối với Việt Nam, việc ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 trong ngành công nghiệp quốc phòng để chế tạo vũ khí thông minh là vấn đề mới, cần phải được nhận thức đầy đủ về bản chất, tác động của các xu thế công nghệ để có sự định hướng trong lựa chọn công nghệ, hợp nhất, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để các tổ hợp vũ khí không bị lạc hậu và phải có đủ khả năng tích hợp được với nhau, song song với việc đẩy mạnh nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự đáp ứng yêu cầu của chiến tranh công nghệ cao tương lai. Chúng ta cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0. Trong đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng; thực hiện "đi tắt đón đầu" trong nghiên cứu phát triển các hệ thống vũ khí thế hệ mới, góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa quân đội. Các cơ sở nghiên cứu, công nghiệp quốc phòng cần tập trung phát triển các công nghệ mũi nhọn, như: Công nghệ vật liệu mới (chế tạo các loại vật liệu mới, chất lượng cao phục vụ cho sản xuất vũ khí, trang bị); công nghệ cơ khí chính xác (nghiên cứu phát triển công nghệ cơ khí có độ chính xác cao, chế tạo các chi tiết theo các chuẩn và mô đun hóa); công nghệ hóa học (sản xuất các hóa chất cơ bản để sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ); công nghệ điện tử, thông tin, tự động hóa...

VŨ HỒNG KHANH