Thắng lợi này có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là chủ động xây dựng lực lượng, lập thế trận phòng không kịp thời đánh trả địch ngay từ đầu.
Xác định rõ âm mưu, thủ đoạn phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, tháng 6-1964, Bộ Chính trị ra chỉ thị: Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân địch. Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu toàn LLVT miền Bắc và chỉ đạo xây dựng lực lượng phòng không (LLPK).
Thời điểm này, LLPK 3 thứ quân miền Bắc mới tổ chức quy mô cấp trung đoàn (gồm 12 trung đoàn), tiểu đoàn (2 tiểu đoàn), trang bị đủ các loại pháo phòng không từ 37mm đến 100mm, 5 trung đội súng máy phòng không 14,5mm, bảo vệ các trận địa, cùng hệ thống báo động phòng không và các tổ, đội dân quân tự vệ bắn máy bay tầm thấp.
Để chủ động đánh thắng địch, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân hiệp đồng với hải quân, bố trí các trận địa pháo phòng không bảo vệ các căn cứ hải quân dọc bờ biển từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Trung đoàn 280 bố trí bảo vệ TP Vinh (Nghệ An), Tiểu đoàn 217 bảo vệ khu công nghiệp Hòn Gai-Cẩm Phả (Quảng Ninh), các tiểu đội súng máy phòng không bảo vệ trạm ra-đa, căn cứ, kho tàng. LLPK 3 thứ quân bố trí trên địa bàn rộng lớn, phân tán, tuy gặp khó khăn nhất định trong chỉ huy hiệp đồng tác chiến nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn đoàn kết, quyết tâm chiến đấu cao.
|
|
Hải quân nhân dân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ trên Vịnh Hạ Long ngày 5-8-1964. Ảnh tư liệu |
Theo phương án tác chiến, các đơn vị phòng không cùng với các đơn vị bạn và LLVT địa phương tranh thủ huấn luyện về hiệp đồng chiến thuật phục kích bắn máy bay địch bay tầm trung và tầm thấp. Chương trình huấn luyện giảm lý thuyết, tăng thời gian luyện tập thao tác kỹ thuật cá nhân và hiệp đồng chiến đấu giữa các khẩu đội, các LLPK 3 thứ quân. Đến tháng 7-1964, công tác xây dựng lực lượng, lập thế trận phòng không trên miền Bắc có những chuyển biến quan trọng, sẵn sàng đánh trả địch trong mọi tình huống.
Sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” đánh lừa dư luận quốc tế, nhất là dư luận trong nước, ngày 5-8-1964, Tổng thống Mỹ Johnson quyết định phát động chiến tranh, sử dụng không quân mở cuộc tập kích đường không mang tên “Mũi tên xuyên” với 64 lần chiếc máy bay bất ngờ ném bom, bắn phá dọc ven biển, từ cảng sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội-Vinh-Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Hòn Gai-Bãi Cháy (Quảng Ninh). Với tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, mạng ra-đa cảnh giới của ta đã phát hiện các tốp máy bay địch trên các hướng, báo cáo Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các đơn vị pháo phòng không, cùng lực lượng phòng không trên các tàu hải quân tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với LLVT các địa phương, kịp thời đánh trả máy bay địch.
Trận đánh bắt đầu ở Cửa Hội-Vinh (Nghệ An) lúc 12 giờ 30 phút ngày 5-8-1964. Các đại đội thuộc Trung đoàn 280 hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị hải quân, LLPK trên đảo Hòn Ngư và dân quân, tự vệ kiên quyết chiến đấu. Sau đó 10 phút, tại cảng sông Gianh (Quảng Bình), LLPK trên các tàu 181, 183 thuộc Phân đội 7 hải quân kịp thời nổ súng khi máy bay địch đánh phá. Cùng lúc, LLPK trên các tàu 173, 175, 177 thuộc Phân đội 6 hải quân hiệp đồng với các trận địa phòng không hai bên bờ sông Gianh, gồm tự vệ ngư trường sông Gianh, đồn Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), dân quân một số xã thuộc hai huyện Quảng Trạch và Bố Trạch, hiệp đồng chiến đấu, đánh chặn các đợt ném bom, bắn phá của máy bay địch.
Tại Lạch Trường (Thanh Hóa), lúc 14 giờ 30 phút, LLPK trên các tàu 130, 132, 146 hải quân tổ chức hiệp đồng với lực lượng dân quân một số xã thuộc các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, tự vệ thủy sản Lạch Trường, Đồn 74 Công an nhân dân vũ trang kiên cường đánh trả máy bay địch. Ở Hòn Gai-Bãi Cháy (Quảng Ninh), lúc 14 giờ 41 phút, các đại đội 141, 142, 143 (Tiểu đoàn 217) hiệp đồng với LLPK trên các tàu hải quân ở Khu tuần phòng 1, Công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ liên tục đánh trả các đợt tiến công đánh phá của máy bay địch. Trận chiến đấu ngày 5-8-1964 đánh trả không quân Mỹ kéo dài từ 12 giờ 30 phút đến 17 giờ. Kết quả, ta bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương một chiếc khác, lần đầu tiên bắt sống phi công Mỹ, đánh bại cuộc hành quân “Mũi tên xuyên”, khiến chính quyền Mỹ vô cùng bất ngờ, choáng váng.
Trận đầu đọ sức với không quân hiện đại nhà nghề của Mỹ, quân và dân ta đã giành thắng lợi, góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu, củng cố niềm tin dám đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ cho quân dân cả nước. Về nghệ thuật tác chiến phòng không, nổi bật là ta đã chủ động xây dựng lực lượng, triển khai thế trận phòng không 3 thứ quân bắn máy bay địch ở tầm thấp, tầm trung đan xen, dày đặc. Khi máy bay địch tập kích, LLPK chủ động bắn đón, đánh chặn trên các hướng, hạn chế thiệt hại do máy bay địch đánh phá, bảo toàn các tàu hải quân, bảo vệ tốt các mục tiêu trọng yếu. Trận đánh còn khẳng định LLPK 3 thứ quân đã phát huy hiệu quả các loại vũ khí thông thường để đánh thắng địch.
Kinh nghiệm xây dựng lực lượng, lập thế trận phòng không đánh thắng trận đầu không quân Mỹ được quân và dân ta vận dụng, phát huy sáng tạo và hiệu quả trong suốt những năm tiếp theo, tiến tới đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam.
NGỌC SƠN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.