Bị tấn công dữ dội, quân Pháp ở căn cứ An Khê (Gia Lai), trên Đường 19, ra đầu hàng. Ảnh tư liệu.

Tháng 5-1953, Henri Navare, tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp, lập một kế hoạch ngạo mạn mang chính tên mình: “Kế hoạch Nava” ấn định hai giai đoạn chiến lược, trong 2 năm sẽ lật ngược tình thế chiến trường, chuyển bại thành thắng. Giai đoạn 1, tức Đông Xuân 1953-1954, phòng ngự chiến lược miền Bắc, tấn công chiến lược miền Nam, chủ yếu là mở chiến dịch Át-lăng (Atlante) đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5. Sau khi bình định miền Nam, chuyển sang giai đoạn 2: Thu Đông Xuân 1954-1955 rút hết quân tinh nhuệ ở miền Nam đưa ra miền Bắc, tấn công chiến lược trên chiến trường chính, giành thắng lợi quyết định, buộc ta điều đình trong thế có lợi của Pháp.

Tướng De Beaufort chỉ huy chiến trường Tây Nguyên được Navare giao chỉ huy chiến dịch Át-lăng. Địch hiểu rất rõ Liên khu 5 chỉ có hai đơn vị chủ lực là Trung đoàn 108 và Trung đoàn 803. Chúng tập trung lực lượng đông hơn gấp 5 lần ta, gồm 4 binh đoàn cơ động số 10, 41, 42, GM100 và hai tiểu đoàn dù, hòng nhanh chóng, chỉ trong Đông Xuân 53-54 tiêu diệt sinh lực chủ yếu của ta và chiếm đóng vùng tự do Liên khu 5, vốn là hậu phương chiến lược vững chắc của quân dân Nam Trung Bộ.

Ngày ấy, Liên khu 5 đứng đầu là đồng chí Nguyễn Chánh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Liên khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5 đã sáng suốt thực hiện chủ trương không đánh vỗ mặt, bởi như vậy sẽ bị tiêu hao lực lượng, mà quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, đánh vào nơi hiểm yếu, chỗ sơ hở của địch, bẻ gãy chiến dịch Át-lăng.

Ngày 20-1-1954, địch từ Khánh Hòa đánh ra, hòng chiếm Phú Yên. Chúng không ngờ chỉ sau một tuần, ngày 28-1-1954 ta mở Chiến dịch Tây Nguyên và trong 10 ngày (đến ngày 7-2-1954) ta đánh chiếm thị xã Kon Tum, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, làm rung động dữ dội cả chiến trường Tây Nguyên. Chiến cuộc diễn biến quá nhanh, ngoài sức tưởng tượng. Được tin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện hỏi: “Liệu có thật không?” Đồng chí Nguyễn Chánh vội điện trả lời: “Tôi và Bộ chỉ huy đang có mặt ở thị xã Kon Tum và chuẩn bị tiến quân vào Gia Lai”.

Tin vui giải phóng Kon Tum làm nức lòng quân dân ta trên Mặt trận Điện Biên Phủ và cả nước.

Navare và De Beaufort tưởng rằng, chỉ chiếm giữ Phú Yên trong vòng một tuần, hoặc mươi ngày, rồi sẽ đánh chiếm tỉnh Bình Định, không ngờ bị lực lượng bộ đội địa phương của ta chặn đánh quyết liệt suốt ngày đêm, phải giậm chân tại chỗ hơn 55 ngày đêm và bị tổn thất nặng nề.

Gia Lai kêu cứu, tình hình bế tắc. Để gỡ thế bí, ngày 12-3-1954, Navare liều mạng đưa quân đánh chiếm Quy Nhơn-Diêu Trì, tỉnh Bình Định. Không ngờ ngay hôm sau (13-3), ta mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt địch ở Him Lam (ngày 14-3), đồi Độc Lập (15-3) và Bản Kéo, tiếp tục khép chặt vòng vây tấn công trung tâm Điện Biên Phủ. Navare vô cùng hoảng hốt. Một mặt, y lợi dụng ban đêm cho rút hết lực lượng ở Diêu Trì, Quy Nhơn đưa ra tàu biển, mặt khác rút hai tiểu đoàn dù chi viện cho Điện Biên Phủ. Nửa đường đứt gánh. Chiến dịch Át-lăng của quân Pháp thất bại nhục nhã, không kèn không trống vào ngày 6-4-1954. Mưu đồ chiến lược bình định miền Nam của Navare hoàn toàn phá sản.

Ngày 1-5-1954, Tư lệnh Nguyễn Chánh thành lập thêm trung đoàn chủ lực thứ ba của Liên khu 5-Trung đoàn 96, nhằm đánh mạnh hơn nữa, chi viện đắc lực nhất cho chiến trận đang diễn ra hết sức ác liệt ở trung tâm Điện Biên Phủ, đồng thời tăng cường lực lượng đủ sức tiến tới giải phóng toàn Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hòa, khi thời cơ đến.

Ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng! Cuồng vọng của Navare lật ngược tình thế chiến trường tan thành mây khói. Mặc dù vậy, Navare vẫn lệnh cho các chiến trường tiếp tục chiến đấu, cố thủ, bảo toàn lực lượng, tìm thế lợi cho tình hình sắp đến.

Binh đoàn cơ động GM100 của Pháp ở An Khê với đội hình gần 250 xe quân sự đều quay đầu hết về phía Pleiku. Tư lệnh Nguyễn Chánh lập tức lệnh cho Trung đoàn 96 vượt mọi khó khăn, gian khổ, tập trung lực lượng tiêu diệt quân địch. GM100 là binh đoàn cơ động hiện đại bậc nhất của Pháp, được Mỹ trang bị đến tận răng. Trung đoàn 96 mới thành lập, còn thiếu một tiểu đoàn chưa kịp hợp quân, nhưng Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu (sau này là Thượng tướng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó tổng Thanh tra Quân đội, nguyên Tư lệnh Quân khu 7) đã nghiêm chỉnh chấp hành lệnh, tổ chức phục kích ở thung lũng Đắc Pơ trên Đường 19, phía tây chân đèo Mang Giang.

Sáng 24-6-1954, GM100 rút chạy về Pleiku và lọt vào trận địa phục kích của ta. Bộ đội ta lập tức nã pháo, cối dữ dội, dồn dập vào toàn bộ đội hình địch. Bộ binh từ hai phía bắc-nam Đường 19 hô xung phong vang dậy, đồng loạt xông lên đánh giáp lá cà. Địch bị đánh bất ngờ, không kịp trở tay, thương vong lớn ngay từ đầu. Chúng chống trả quyết liệt, nhưng tán loạn dần như ong vỡ tổ và đến chiều, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt gọn GM100. Địch chết, bị thương hơn 700 tên. Ta cho phép địch ở Pleiku dùng máy bay, xe cứu thương có mang cờ trắng và cờ chữ thập đỏ đến chuyên chở. Địch bị bắt sống 1.200 tên, trong đó có cả tên quan năm Baru, chỉ huy binh đoàn. Tù binh địch quá đông, không đủ cả dây trói. Chúng xin hàng cả với chị em dân công; chúng sợ chạy trốn sẽ lạc đường, bị trúng chông, bỏ mạng trong rừng. Chúng ngoan ngoãn ngồi từng đám đông vì biết rõ chính sách khoan hồng của ta.

Đây có thể xem là một trong những trận “giao thông chiến” lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương. Ta thu 229 xe quân sự, trong đó có 20 xe hồng thập tự mới toanh, 20 khẩu đại bác, cùng nhiều vũ khí, quân dụng, quân trang khác.

Đòn sấm sét ở Điện Biên Phủ được bồi thêm đòn trời giáng xuống GM100 làm cho đội quân viễn chinh tinh nhuệ-sinh lực chủ yếu của quân Pháp tan tác, không gượng dậy nổi, khiến Navare cảm thấy không thể ngoan cố kéo dài cuộc chiến hơn nữa.

Đúng thời điểm này, một đơn vị của ta chuẩn bị tiến công đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột thì nhận được điện của Tư lệnh Nguyễn Chánh tạm dừng, chờ lệnh. Ngày 20-7-1954, Chính phủ Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh xâm lược, công nhận chủ quyền, độc lập của Việt Nam và cả Đông Dương.

Hòa bình được thiết lập, De Beaufort thiết tha đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Cho tôi được gặp con người đã làm tôi mất ăn, mất ngủ ở cái chốn cao nguyên khổ sở ấy…”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui vẻ tổ chức cuộc gặp mặt giữa Tư lệnh Nguyễn Chánh với De Beaufort và Đại tướng cùng dự.

De Beaufort hỏi: “Ngày ấy, sao ông không tấn công Buôn Ma Thuột. Chỉ cần ông dấn lên một bước nữa là bắt sống được tôi. Tôi đã sẵn sàng chờ đợi giờ phút ấy”.

Đồng chí Nguyễn Chánh vui vẻ trả lời: “Chúng tôi đã áp sát, sẵn sàng tấn công Buôn Ma Thuột và giải phóng cả Tây Nguyên. Nhưng ngài Đại tướng Tổng tư lệnh của chúng tôi đây, thông báo cho biết Pháp đã ký kết đình chiến, không nên đổ thêm một giọt máu nào nữa của chiến sĩ chúng tôi cũng như con em các gia đình bên phía các ông…”

De Beaufort lặng người một lát và nói lời khâm phục: “Quân đội các ông đánh rất giỏi, binh lính chúng tôi thua trận là phải”.

Đồng chí Nguyễn Chánh đáp lại ngay: “Không phải binh lính các ông yếu kém đâu. Các ông thua vì cuộc chiến tranh của các ông là phi nghĩa.”

Năm 1955, tôi được tập kết ra Bắc và được đi học lớp bổ túc quân sự khóa 10, Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam và vinh dự được có mặt trong đội hình cuộc diễu binh đầu tiên của Quân đội ta, chào mừng một năm Giải phóng Thủ đô và 10 năm Quốc khánh nước ta (1945-1955).

Với chiều cao l,7m, tôi được chọn đứng hàng đầu khối sĩ quan lục quân và được nhìn thấy Bác Hồ rất rõ, khi Bác đến thăm, duyệt đội hình ở sân bay Bạch Mai. Cuộc diễu binh đầu tiên này làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ Thủ đô và cả nước. Tôi càng vui hơn khi được biết, những chiếc xe GMC kéo pháo 105mm, những xe cứu thương mới toanh, chở những cô gái quân y xinh đẹp diễu qua Quảng trường Ba Đình, chính là chiến lợi phẩm của trận tiêu diệt binh đoàn GM100 của Pháp ở Đắc Pơ.

Ôn lại chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, tôi không thể nào quên những tháng ngày vô cùng gian khổ, cơm không đủ no, rừng khuya buốt giá, đầu đội mưa, chân không giày, lội suối băng rừng, leo đèo vượt dốc, hành quân bộ dọc dài hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, là một chiến trường phụ, nhưng Liên khu 5 đã phối hợp hiệu quả xuất sắc với chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Thế hệ chúng tôi vô cùng tự hào với Chiến thắng Điện Biên Phủ và những thắng lợi trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đồng thời không khỏi bùi ngùi, xúc động tưởng nhớ, biết ơn bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống để đất nước, nhân dân ta có cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc, thanh bình như hôm nay!

Đại tá HỒ NGỌC SƠN

Nguyên Trưởng phòng Thông tấn-Báo chí, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị