Bày binh bố trận ảo

Tháng 10-1974, sau hai tuần soạn thảo, kế hoạch nghi binh do đồng chí Khuất Duy Tiến, Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận Tây Nguyên xây dựng, tổng hợp thành 10 trang giấy pơ-luya chính thức được đồng chí Vũ Lăng, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên thông qua. Khi ấy, Tư lệnh Vũ Lăng còn cẩn thận dặn đồng chí Khuất Duy Tiến: “Cậu nhớ giữ kín nhé, trước mắt là chỉ mình với cậu biết thôi đấy”.

Nội dung Kế hoạch “Nghi binh 10-1974” được tiến hành trên 4 hướng, gồm: Hướng bắc, đông bắc thị xã Kon Tum; hướng tây, tây nam thị xã Kon Tum; hướng Đường số 19 An Khê và hướng tây Pleiku. Để lừa địch, ta thực hiện 3 chiêu thức. Thứ nhất, dùng máy thông tin sóng ngắn 15W có mật hiệu chữ “B” để tung tin giả. Tất cả đường dây điện thoại, điện trời để nguyên, các báo vụ hằng ngày vẫn làm việc bình thường. Thứ hai, các trận địa pháo ở Tây Nguyên vẫn giữ nguyên, đêm đến tăng cường kéo pháo quanh trận địa ầm ĩ. Thứ ba, tung tin trong nhân dân là ta sắp mở chiến dịch ở Bắc Tây Nguyên. Trong khi đó, ta âm thầm cho công binh mở những con đường cơ động mới, điều chuyển lực lượng về Nam Tây Nguyên, bảo đảm hết sức bí mật, ngụy trang kỹ lưỡng, ngày vào rừng, tối hành quân, đi đến đâu ngụy trang xóa dấu vết đến đó. 

Đại tá Lê Quang Huân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 kể lại: Cuối tháng 12-1974, Sư đoàn 968 đang đứng chân tại Nam Lào được lệnh về Tây Nguyên trước ngày 6-1-1975 nhận nhiệm vụ quan trọng, đó là nghi binh chiến lược. Khi Sư đoàn 968 về đến Tây Nguyên thì được giao nhiệm vụ thay cho Sư đoàn 10 (ở Kon Tum) và Sư đoàn 320A (ở Gia Lai) để hai sư đoàn này cơ động về hướng chính làm nhiệm vụ. Sư đoàn 968 giao cho Trung đoàn 19 phòng ngự chiếm giữ ở phía tây và bắc Đường số 19. Để giữ bí mật, quá trình phòng ngự ở Pleiku, Trung đoàn 19 lấy phiên hiệu là Mặt trận Y. Nhằm nghi binh lừa địch, Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 19 lấy phiên hiệu là Sư đoàn 320A, Tiểu đoàn 3 lấy phiên hiệu là Sư đoàn 10.

Quân ngụy thất bại thảm hại và phải tháo chạy hỗn loạn khỏi Tây Nguyên, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu 

Trong khi đó, ngày 17-1-1975, Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A di chuyển hết lực lượng về phía nam Tây Nguyên mà địch tưởng hai sư đoàn chủ lực này của ta sẽ đánh vào Kon Tum và Pleiku (phía bắc Tây Nguyên) chứ không đánh xuống phía nam. Chúng nhận định rằng, để đánh được Đắc Lắc, ta cơ động khoảng 300km đường rừng, nhiều sông, suối nên việc hành quân và đưa phương tiện vào sẽ rất khó khăn, việc đánh Đắc Lắc sẽ không khả thi.

Cùng thời gian đó, ở Kon Tum và Gia Lai, ta hạ lệnh truyền tin, chuẩn bị đi dân công, tải thương, tải đạn, kéo xe tăng... áp vào đánh địch. Sư đoàn 968 nhận lệnh kéo pháo đánh ngay đồn Thanh An, bắn pháo vào Pleiku. Từ ngày 1 đến 3-3, ta đánh mạnh ở Gia Lai, Kon Tum khiến địch tin rằng, ta chuẩn bị đánh Bắc Tây Nguyên. Ngày 9-3, khi ta nổ súng đánh địch ở Đức Lập, cách Buôn Ma Thuột 10km, cùng lúc Phạm Văn Phú, tư lệnh quân khu 2 của ngụy ở Tây Nguyên vẫn cho rằng ta chỉ đánh nghi binh.

Linh hoạt xử lý tình huống bất ngờ

“Tổ chức nghi binh cả một chiến dịch dù kín kẽ đến mức nào vẫn có thể để lọt sơ hở. Tuy vậy, nhờ nắm bắt nhanh chóng và đề ra cách xử trí kịp thời nên ta vẫn giữ được ý định tác chiến”, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên nhấn mạnh và kể cụ thể từng tình huống: Thực hiện ý định tác chiến, cuối tháng 2, đầu tháng 3-1975, tổ trinh sát của Tiểu đoàn Thông tin, thuộc Sư đoàn 320A đi trinh sát Đường số 14 để dẫn đường cho sư đoàn tiếp cận và cắt Đường số 14, không cho địch từ Pleiku về Đắc Lắc ứng cứu khi ta tiến công Buôn Ma Thuột. Trên đường đi trinh sát, một chiến sĩ thông tin bị bọn thám báo của địch bắt. Trước sự tra tấn dã man của địch, qua mạng thông tin vô tuyến điện, phía ta biết được chiến sĩ bị bắt đã khai toàn bộ ý định chiến đấu là sẽ đánh thị xã Buôn Ma Thuột, đồng thời đưa quân ra chặn Đường số 14, không cho bộ binh, pháo binh, xe tăng của địch từ Gia Lai và Kon Tum đến ứng cứu.

Chỉ còn mấy ngày nữa là ta sẽ tấn công Buôn Ma Thuột. Ngay lập tức, Bộ tư lệnh chiến dịch tổ chức cuộc họp bàn cách làm sao để địch không tin đó là lời khai thật, vì nếu địch tin lời khai trên, chúng sẽ đưa quân về tăng cường phòng thủ ở Buôn Ma Thuột thì tình thế của ta sẽ phức tạp. Sau khi thảo luận, Tư lệnh Chiến dịch Hoàng Minh Thảo (tháng 2-1975, đồng chí Hoàng Minh Thảo được trên phân công trở lại làm Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên) lệnh cho Sư đoàn 320A bí mật rút quân khỏi khu vực triển khai ở phía tây Đường số 14 và xóa hết dấu vết. Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước lệnh cho Sư đoàn 968 áp sát và đánh ngay vào quận lỵ Thanh Bình, Thanh An, rồi dùng pháo bắn vào sân bay Cù Hanh ở Pleiku.

Kế hoạch nhanh chóng được tiến hành. Nhận lệnh, đồng chí Thanh Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968 hỏi đồng chí Nguyễn Quốc Thước: “Báo cáo thủ trưởng, chúng ta đánh thật hay đánh giả?”. Đồng chí Tham mưu trưởng chiến dịch trả lời dứt khoát: “Với đơn vị anh, lúc này là đánh thật, nhưng với chiến dịch là giả để thu hút địch về Pleiku nên phải hết sức chú ý, không được lộ kế hoạch”.

Ngày 1-3, khi thấy các lực lượng của Sư đoàn 968 bắt đầu nổ súng vào các mục tiêu ở Pleiku, địch nghĩ đó vẫn là lực lượng của Sư đoàn 320A. Đồng thời, chúng cho quân đi trinh sát Đường số 14 nhưng không thấy ta động tĩnh gì. Thế là địch cho rằng chiến sĩ thông tin kia đã đánh lừa chúng.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quốc Thước hào hứng kể lại Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: CHÍ HÒA 

Tình huống khác, vào giữa tháng 2-1975, một nhóm trinh sát của Trung đoàn Pháo binh 675 (lực lượng của bộ từ ngoài Bắc vào Tây Nguyên tăng cường cho chiến dịch) đi trinh sát để chuẩn bị trận địa pháo cho đơn vị ở Buôn Ma Thuột thì một chiến sĩ trinh sát bị nhóm thám báo của địch bắt được. Qua trinh sát kỹ thuật, ta nắm rõ chiến sĩ này rất kiên cường, dù bị tra tấn dã man nhưng vẫn không khai nửa lời, cuối cùng, địch đã thủ tiêu chiến sĩ ta.

Lần thứ ba, vào ngày 7-3, Sư đoàn 316 vượt Đường số 14 trên hướng phía tây thị xã Buôn Ma Thuột để vu hồi tiến công vào Đức Lập. Trên đường hành quân, một cán bộ thuộc Trung đoàn 149, Sư đoàn 316 đánh rơi cuốn nhật ký, bọn thám báo của địch nhặt được. Trong cuốn nhật ký ghi rõ là đơn vị có nhiệm vụ hành quân về để đánh thị xã, nhưng không nói rõ là sẽ đánh thị xã nào (ở Đắc Lắc lúc này có hai thị xã là Buôn Ma Thuột và Gia Nghĩa). Địch nhanh chóng điều quân tăng cường về phòng thủ ở thị xã Gia Nghĩa (nay thuộc tỉnh Đắc Nông), vì vậy mà không phát hiện ra kế hoạch của ta là đánh thị xã Buôn Ma Thuột.

Kế hoạch nghi binh thực hiện đúng ý đồ không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn giảm đến mức thấp nhất thương vong cho lực lượng của ta để nhanh chóng giải phóng hoàn toàn Buôn Ma Thuột, đẩy địch vào thế bị động. Ta bất ngờ tạo thế tiến công, liên tiếp giải phóng An Khê (12-3), Kon Tum, Pleiku (17-3), Kiến Đức (20-3), Gia Nghĩa (22-3). Sau khi làm chủ Tây Nguyên (24-3), thừa thắng xông lên, từ ngày 25-3 đến 3-4, quân ta tiến xuống đồng bằng ven biển giải phóng Bình Khê, Phú Yên, Nha Trang, Cam Ranh.

Thế trận “trói địch lại mà đánh” hình thành trên cơ sở ta nhận định và phân tích sâu kỹ về tình hình địch. Ta đã bí mật tổ chức lực lượng để triển khai thế trận hoàn chỉnh, nhất là có sự kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và hỗ trợ trực tiếp cho nhau để tạo ra thời cơ tiến công tiêu diệt địch, giành thắng lợi mau chóng, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất, thương vong, tạo tiền đề để đẩy nhanh tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.

SƠN BÌNH