Chúng tôi tới thăm Khoa Xăng dầu vào những ngày cuối cùng của năm học 2018-2019. Dưới cái nóng có khi lên đến hơn 40 độ C, trên bãi tập thực hành phương tiện kỹ thuật xăng dầu thuộc khu vực 2 (Sơn Tây, Hà Nội), thầy và trò Khoa Xăng dầu vẫn chăm chú, tỉ mỉ thực hành bài lắp đặt và vận hành bơm chuyển nhiên liệu bằng đường ống. Đại tá, PGS, TS Trần Trọng Kiên, Trưởng khoa Xăng dầu cho biết: “Kiểm tra huấn luyện là công tác thường xuyên của khoa nhằm đánh giá thực chất kết quả dạy và học, đồng thời đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện. Nhờ đó, những năm qua, giáo viên của khoa đã chấp hành nghiêm quy chế huấn luyện, 100% bài giảng đạt khá và tốt, đơn vị nền nếp chính quy. Nhiều giảng viên trẻ đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp học viện, cấp toàn quân”.

 Cán bộ, học viên Khoa Xăng dầu huấn luyện vận hành xe bơm nhiên liệu.

Ảnh do đơn vị cung cấp.

Hiện nay, Khoa Xăng dầu đang huấn luyện cho các đối tượng tiến sĩ, cao học hậu cần quân sự, cán bộ hậu cần cấp trung sư đoàn, cử nhân hậu cần cấp phân đội trình độ đại học, hoàn thiện đại học cấp phân đội chuyên ngành xăng dầu, chuyển loại xăng dầu, trung cấp xăng dầu; tập huấn cán bộ xăng dầu cho Quân đội nhân dân Lào và các đối tượng ngoài ngành. Theo Đại tá Trần Trọng Kiên, để đáp ứng yêu cầu đào tạo ngày một cao, sát với thực tiễn, công tác đổi mới giáo dục-đào tạo vừa là yêu cầu, vừa là đòi hỏi thường xuyên, cấp thiết. Tuy nhiên, đổi mới không có nghĩa là thay đổi mà phải biết kế thừa truyền thống được các thế hệ cán bộ, giảng viên Khoa Xăng dầu nối tiếp nhau tạo dựng, xây đắp liên tục trong suốt 60 năm qua.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, sau ngày được thành lập, bộ môn xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều giáo viên chưa được đào tạo ở các trường quân sự mà chỉ có một số kinh nghiệm công tác hậu cần ở cơ sở; tài liệu, bài giảng của giáo viên chưa hoàn chỉnh và chưa có hệ thống; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện, sinh hoạt thiếu thốn, nhà trường phải sơ tán qua nhiều địa điểm... Nhưng các thế hệ giáo viên đã khắc phục khó khăn vừa giảng dạy, vừa đi thực tế để đúc rút kinh nghiệm. Phong trào thao diễn giảng dạy đã thu hút hầu hết giáo viên tham gia. Do vậy, chất lượng bài giảng được nâng lên rõ rệt. Đến nay, Khoa Xăng dầu trở thành một trong những đơn vị trung tâm của Học viện Hậu cần trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) cán bộ hậu cần toàn quân. Khoa đã xây dựng được đội ngũ giảng viên đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ với 100% có trình độ đại học, trong đó hơn 75% có trình độ sau đại học, góp phần cùng học viện đào tạo hàng vạn cán bộ, nhân viên hậu cần cho Quân đội ta và quân đội một số nước trong khu vực.

Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, nhân viên xăng dầu cho toàn quân, khoa đã chủ động xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, bảo đảm tính liên thông giữa các bậc học. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của khoa đã tích cực nghiên cứu, thực hiện hàng trăm đề tài khoa học các cấp và công bố hàng trăm bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín. 5 năm qua, cán bộ, giảng viên của khoa đã đạt 2 giải ba cấp toàn quân với đề tài “Thiết kế kho xăng dầu cố định cấp chiến thuật phục vụ hoạt động thường xuyên”; đề tài “Ứng dụng công nghệ 3D mô phỏng quy trình công nghệ chế biến dầu mỏ”; 1 giải khuyến khích cấp toàn quân với đề tài “Xây dựng phần mềm thiết kế tuyến ống xăng dầu dã chiến”. Nhiều năm khoa được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, được nhận Cờ thưởng luân lưu và bằng khen của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, khoa đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Nói chuyện với chúng tôi, Đại tá Hoàng Minh Thảo, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm Khoa Xăng dầu cho biết: “Thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng giảng dạy của học viện, khoa đã thường xuyên quán triệt và đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện. Cán bộ giáo viên đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tự học tập nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, bổ sung nội dung mới, vận dụng tổng hợp các phương pháp giảng dạy cho các đối tượng có chất lượng. Huấn luyện thực hành hóa nghiệm xăng dầu, vận hành xe, máy bơm, xe tra nhiên liệu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cả về người và thiết bị...".

Thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy Khoa Xăng dầu tiếp tục tập trung đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện theo hướng giảm thời gian lý thuyết, tăng thời gian thực hành. Đồng thời, khoa cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học; tập trung đầu tư nghiên cứu, biên soạn, tu chỉnh thực hiện chính quy hóa hệ thống giáo trình, tài liệu huấn luyện vừa bảo đảm tính cơ bản, vừa sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần toàn quân.

 Bài và ảnh: THÁI HÙNG