Người xếp rau, quả, người chằng cột rọ gà, rọ heo và chống nắng cho gia súc, gia cầm... Những giọt mồ hôi lăn dài trên làn da sạm nắng của Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ cấp hàng thuộc Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 146). Đưa tay áo lau nhanh mồ hôi trên mặt, anh chia sẻ: “Dù có phần vất vả nhưng chúng tôi rất vui, vì đây là những món quà thể hiện tình cảm từ đất liền gửi ra cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK1. Vì vậy, chúng tôi luôn đem hết tình thần trách nhiệm để bảo quản hàng hóa, vận chuyển và cấp đến các đảo một cách đầy đủ, an toàn nhất”.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 146) và tàu 571 bốc hàng cho các tàu vận chuyển ra đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Tàu 571 là tàu khách nên việc kết hợp vận chuyển hàng hóa ra các đảo rất khó khăn, theo thiết kế, kho lạnh chỉ đủ bảo quản lương thực, thực phẩm cho số lượng khách và quân số thủy thủ tàu, trong lúc lượng hàng hóa vận chuyển kết hợp tương đối lớn, kho lạnh không đủ chứa. Từ thực tế trên, đúc rút trong những chuyến đi trước, cán bộ, chiến sĩ ngành vận tải đơn vị đã truyền cho nhau những kinh nghiệm, như: Đối với gia súc, gia cầm sống phải được che chắn kỹ, kín, tránh để ánh nắng rọi trực tiếp lên vật nuôi và tăng cường cho ăn thêm các thức ăn chứa nhiều dinh dưỡng, nhiều nước như rau giá đậu, cám trộn với các loại rau tươi. Đối với củ, quả phải gói bọc cẩn thận, thường được gói 3-4 lớp để tránh hơi mặn thấm vào, đồng thời thường xuyên kiểm tra, phát hiện những củ, quả bị hỏng, thối lấy ra ngoài, không để thối lây sang các củ, quả khác…

Tại bếp ăn dành cho thủy thủ, chúng tôi quan sát Binh nhất Hoàng Minh Đức đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Trò chuyện với chúng tôi Đức cho biết, anh vốn là chiến sĩ cảnh vệ, do có sức khỏe (không bị say sóng) nên được đơn vị lựa chọn lên tàu phục vụ nấu ăn. Đức tâm sự: "Thời gian đầu cũng bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng được anh em đi trước chỉ bảo nên tôi dần quen với công việc "anh nuôi" và đây là lần thứ tư tôi đi phục vụ theo tàu". Thượng úy Lê Văn Hiệp, trợ lý quân nhu Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật 719 (Vùng 4 Hải quân) cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ phục vụ trên tàu đa số không phải chuyên ngành hậu cần mà là "tay ngang". Được đơn vị tổ chức tập huấn và người đi trước chỉ cho người đi sau, người biết nhiều dạy người biết ít nên anh em đều cố gắng học hỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Thực tế công tác phục vụ trên tàu cũng gặp không ít khó khăn vì đa phần anh em phục vụ đều từ các chuyên ngành hải quân điều sang nên chuyên môn hậu cần, phục vụ có phần hạn chế. Những chuyến đi có lượng khách đông, biển động, việc phục vụ trên tàu hết sức vất vả, nếu thiếu kinh nghiệm sẽ không thể nấu ăn, có khi vừa nấu xong, sóng to xô đổ hết và đành phải nấu lại. Những lúc trên tàu có nhiều người say sóng, ngoài nhiệm vụ phục vụ chung, anh em còn phải chế biến các món ăn dành riêng cho những người say sóng, như: Khoai lang luộc, cơm vắt, muối vừng... Có những chuyến đi, chiến sĩ nuôi quân đêm không ngủ ngon giấc vì phục vụ ăn khuya xong đã gần 23 giờ, dọn dẹp, lau chùi, rửa bát đĩa tới gần 2, 3 giờ sáng mới chợp mắt, sau đó họ lại bắt tay vào chuẩn bị bữa sáng.

Chỉ tay vào dãy bàn ăn trong phòng khách, Thượng úy Lê Văn Hiệp nói với chúng tôi: "Tất cả bàn ăn trên tàu đều thiết kế gờ nổi 4 bên để khi sóng xô, các đĩa thức ăn không bị lắc tung ra ngoài. Những khi sóng lớn, mọi người trong bàn ăn phải phân công nhau vừa ăn vừa giữ bát, đĩa thức ăn, nếu không sóng sẽ hất tung...". Đang cùng nhau chia sẻ những khó khăn, vất vả trong công tác phục vụ trên những chuyến tàu ra Trường Sa thì các anh đến giờ phải trở về bếp ăn làm nhiệm vụ, trước lúc chia tay, Hiệp nhắn gửi rằng: "Công việc phục vụ trên tàu rất vất vả, song, trước bất cứ hoàn cảnh nào chúng tôi cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".

Nói về công tác bảo đảm hậu cần trên các chuyến tàu ra Trường Sa, Trung tá Nguyễn Văn Hường, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 955 (Vùng 4 Hải quân) cho biết: "Để bảo đảm hậu cần trên các chuyến tàu ra thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa, ngoài bảo đảm tốt cơ sở vật chất phục vụ, tiêu chuẩn chế độ, đơn vị thường xuyên quan tâm đến sức khỏe và nghiệp vụ của các lực lượng phục vụ trên tàu. Trước những chuyến đi biển, các lực lượng đều được kiểm tra sức khỏe, qua đó lựa chọn những đồng chí có sức khỏe tốt, có thể chịu được sóng gió. Đối với chuyên môn, ưu tiên lựa chọn những đồng chí có kinh nghiệm và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho những đồng chí mới để bảo đảm cho mỗi chuyến đi, lực lượng phục vụ luôn có sức khỏe và có năng lực chuyên môn tốt nhất".

Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN