Y sĩ Bệnh xá Quân dân y Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379 khám bệnh cho người dân xã Si Pa Phìn.

Đến Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 379 một ngày cuối tháng 3, chúng tôi nhận thấy có hàng chục người dân đến khám, chữa bệnh (KCB). Đội ngũ y sĩ, bác sĩ chăm chú làm việc, tư vấn sức khỏe cho bà con. Đại úy, bác sĩ Nguyễn Tuấn Duy, Bệnh xá trưởng chia sẻ: 4 huyện vùng dự án có 18 xã giáp biên giới với nước bạn Lào và Trung Quốc, cùng 16 dân tộc sinh sống, trong đó chủ yếu là các dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì. Nhận thức của bà con dân tộc trước đây rất lạc hậu, nhiều hủ tục như bị bệnh gọi thầy mo cúng bái; người ở trên, nhốt trâu bò ở dưới; nạn tảo hôn, đẻ dày, đẻ nhiều… vẫn tồn tại. Mặc dù trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện đi lại khó khăn, kinh phí hoạt động của bệnh xá có hạn, địa bàn xa xôi hẻo lánh; đội ngũ y sĩ, bác sĩ còn thiếu so với biên chế nhưng với tất cả tấm lòng và trách nhiệm của mình, những người thầy thuốc của bệnh xá đã không quản ngày đêm vất vả, thường xuyên gần dân, bám bản làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con ăn ở hợp vệ sinh, khám sức khỏe định kỳ; có bệnh phải đến các cơ sở y tế chữa trị, xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

Không chỉ KCB tại bệnh xá mà đội ngũ y sĩ, bác sĩ còn thường xuyên xuống các khu dân cư phối hợp với trạm y tế xã tiêm phòng cho các cháu nhỏ, hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe, xóa bỏ hủ tục, tham gia cấp cứu, điều trị nhiều trường hợp. Như vụ việc xảy ra vào cuối tháng 12-2018, chị Vàng Thị Pài, nhà ở bản Văn Hồ, xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) bị đau bụng vùng hạ vị, mặt tím tái, nhưng gia đình lại đi gọi thầy mo đến cúng, thắp hương. Nhận được thông tin từ một người dân, bác sĩ Nguyễn Tuấn Duy điều một bác sĩ, một y tá nhanh chóng đến gia đình thuyết phục, vận động người nhà đồng ý để khám, chẩn đoán bệnh. Bác sĩ nhận định chị Pài bị chửa ngoài tử cung, túi thai vỡ nên dẫn đến đau dữ dội vùng hạ vị. Sau khi báo cáo chỉ huy, bệnh xá điều xe cứu thương chuyển chị Pài lên Bệnh viện Đa khoa huyện Nậm Pồ cách đó hơn 50km. Sau một thời gian điều trị, chị Pài được xuất viện trong niềm vui khôn xiết của gia đình và bà con xóm giềng. Từ đó chị Pài coi các thầy thuốc của bệnh xá như ân nhân.

Không chỉ chị Pài mà anh Vàng A Công, nhà ở bản Mo Công, xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) cũng vậy. Dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, bệnh xá nhận được tin có vụ tai nạn giao thông, cần cấp cứu gấp. Mặc dù trời tối nhưng các bác sĩ của bệnh xá nhanh chóng cơ động bằng xe máy đến hiện trường. Đến nơi chỉ thấy có một chiếc xe máy cũ bị hư hỏng nặng, anh Vàng A Công người nồng nặc mùi rượu, bị đa chấn thương, nằm co quắp ven đường. Sau khi đưa anh Công về đến bệnh xá, các bác sĩ tiến hành cấp cứu, phẫu thuật, khâu 7 mũi ở đùi. Sau một tuần điều trị, sức khỏe hồi phục, anh Công được xuất viện. Anh Công chia sẻ: "Chúng tôi được các y sĩ, bác sĩ Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 379 khuyên nhủ tham gia giao thông cẩn thận, đã uống rượu, bia thì không lái xe, nhưng thói quen này chưa bỏ được. Cũng may được các bác sĩ cấp cứu, chữa trị kịp thời nên tôi mới bảo toàn tính mạng. Sau dịp này tôi hứa sẽ không lái xe khi đã uống rượu, bia".

Trao đổi với chúng tôi, ông Giàng A Hòa, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn cho biết: "Bệnh xá Quân dân y Đoàn KT-QP 379 đã có những đóng góp quan trọng cho công tác chăm sóc sức khỏe và nâng cao dân trí cho nhân dân. Bên cạnh đó, bệnh xá còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc, tiêm phòng miễn phí cho trẻ em. Cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương luôn trân trọng sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ áo trắng".

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN