Blouse trắng nơi biên cương

Nhiều năm gắn bó với chiếc áo blouse trắng nơi mảnh đất biên giới lắm bụi, nhiều nắng, đối với Thượng úy Phan Đình Chiến, Phó trưởng phòng khám Đa khoa QDY Dinh Bà, niềm vui lớn nhất là được phục vụ người dân. Nhiều năm làm thầy thuốc quân hàm xanh, anh nhớ mặt, quen tên và nắm rõ từng loại bệnh của người dân khi đến khám. Và dĩ nhiên, có những câu chuyện trong nghề anh mãi không thể nào quên. Anh nhớ lại: “Có lần, vô tình thấy một ông cụ người Campuchia sang Việt Nam, nhưng ngất xỉu ngoài chợ, vậy là tôi vội đưa ông về phòng khám cấp cứu. Từ lần đó, mỗi khi có dịp sang Việt Nam là ông đều đến phòng khám thăm tôi”.

Thầy thuốc Phòng khám Đa khoa QDY Dinh Bà khám bệnh cho bà con người dân xã Bontia Chắc Crây, huyện SaDach, tỉnh Prây Veng (Campuchia).

Còn bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Châu, người đã sinh ra, lớn lên và gắn bó mấy mươi năm với người dân xã Tân Hộ Cơ cũng không nỡ rời bỏ mảnh đất này. Chị Mỹ Châu chia sẻ: “Dẫu biết về đây công tác sẽ thiếu thốn trang thiết bị, nhưng được phục vụ bà con quê mình là một hạnh phúc. Mọi người đến khám chủ yếu là những bệnh thông thường, như: Cảm, ho, huyết áp, tiểu đường, dạ dày, viêm mũi họng... còn những trường hợp bệnh nặng hơn thì tư vấn đi tuyến trên. Khi có kiến thức chuyên môn để tư vấn chọn đúng tuyến, đúng nơi khám, chữa bệnh sẽ giúp họ đỡ tốn kém hoặc khi người dân đi khám tuyến trên có những thắc mắc trong chẩn đoán kết quả và mang đến phòng khám hỏi thì tôi cũng tận tình giải thích. Tư vấn để họ hiểu rõ về bệnh tình, sức khỏe là điều cần thiết với người dân biên giới”. Nhờ sự nhiệt tình nên chị rất được người dân tin yêu. 

Địa chỉ tin cậy của người bệnh

Sáng sớm, Phòng khám Đa khoa QDY Dinh Bà đã có người đến khám. “Bà bớt đau lưng chưa? Ông thấy trong người thế nào?". Các thầy thuốc của phòng khám ân cần hỏi thăm sức khỏe từng người. Thượng úy Phan Đình Chiến, Phó trưởng phòng khám cho biết: “Khám riết thành quen, biết mặt, biết bệnh từng người. Hơn nữa, công tác ở đây lâu năm nên người dân với lính biên phòng không còn xa lạ!”.

Hơn 70 tuổi, ông Trần Thanh Tuấn, ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ thường xuyên đau cột sống. Trước đây, mỗi khi có bệnh hay bị cơn đau hành hạ, ông phải lên tận bệnh viện huyện để khám, nhưng từ ngày có Phòng khám Đa khoa QDY Dinh Bà, ông không còn phải chịu cảnh đi lại đường xa, vất vả. “Khám bệnh ở đây vừa đỡ phải đi xa, vừa đỡ tốn kém mà bác sĩ lại rất nhiệt tình, chu đáo, nhẹ nhàng hướng dẫn sử dụng thuốc và dặn dò kỹ lưỡng”, ông Tuấn bộc bạch.

Còn chị Rút Kia, người dân xã Bontia Chắc Crây có con bị bệnh viêm đường hô hấp cũng cho biết, do nhà nghèo, không đủ tiền đi bác sĩ tư, nên khi có bệnh, cả nhà đều đến phòng khám này điều trị. “Mấy lần con tôi bị sốt, tôi đưa đến đây, bác sĩ khám bệnh, kê đơn đến lúc con tôi khỏi bệnh mà chỉ lấy có 20.000 đồng. Được các y, bác sĩ Việt Nam khám bệnh, tôi rất yên tâm. Các y, bác sĩ của Việt Nam rất giỏi và tận tình, lại biết cả tiếng Campuchia nên luôn hướng dẫn chu đáo và cho nhiều thuốc tốt nữa”, chị Rút Kia chia sẻ.

Không chỉ khám, chữa bệnh, đội ngũ y, bác sĩ tại đây còn đóng vai trò là chuyên gia tư vấn. Theo đó, hằng tháng, phòng khám đều tổ chức 2-3 buổi tư vấn cách phòng bệnh và giữ gìn vệ sinh cho bà con. Từ đó, bà con đã am hiểu hơn về cách thức phòng, chống, cách sử dụng thuốc đúng và an toàn cũng như nhận biết dấu hiệu của một số bệnh thường gặp, như: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng… Nếu trước đây, mỗi ngày phòng khám tiếp nhận và điều trị cho 70-80 lượt bệnh nhân thì giờ trung bình chỉ từ 30 đến 40 lượt.

Được biết, bà con tìm đến phòng khám đa phần đều là những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, thời gian qua, nguồn thu từ việc thăm khám, chữa bệnh cho bà con chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Những ca bệnh từ hóc xương cá đến cảm mạo, nhức đầu, viêm dạ dày, viêm đường tiêu hóa... các y, bác sĩ ở đây thường chữa giúp hoặc chỉ nhận khoản tiền thuốc từ 15.000 đến 30.000 đồng.

Thượng tá Lê Văn Lâm, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà cho biết: Hoạt động khám, chữa bệnh hằng ngày cho bà con nước bạn Campuchia tại Phòng khám Đa khoa QDY Dinh Bà đã kịp thời giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. Bên cạnh việc khám, chữa bệnh cho người dân Campuchia tại phòng khám, hằng năm, chúng tôi còn tổ chức sang nước bạn, trực tiếp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con. Điều này đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị bền vững giữa các cơ quan chức năng, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân hai bên biên giới Việt Nam-Campuchia”.

Bài và ảnh: THÚY AN