Như để chứng minh cho hiệu quả của việc thực hiện "4 không", anh Đức và các anh chỉ huy dẫn chúng tôi đi “thực mục sở thị” tại Tiểu đoàn tổng trạm 36, nằm cách sở chỉ huy không xa. Cũng giống như khu sở chỉ huy lữ đoàn, Tiểu đoàn 36 đứng chân trên địa bàn thành phố, nằm khiêm nhường trong một con ngõ nhỏ, diện tích đất rất chật hẹp. Vừa qua cổng đơn vị, chúng tôi đã bắt gặp màu xanh của những hàng cây ăn quả, cây lấy bóng mát và các vườn rau quy hoạch xinh xắn phía sau dãy nhà làm việc. Những màu xanh ấy khiến cái nắng nóng mùa hè miền Trung như dịu bớt lại. Trung tá Nguyễn Văn Long, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 36, chia sẻ: “Quán triệt chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn, Tiểu đoàn 36 đã xây dựng quyết tâm “nơi nào có đất trống, ở đó có rau xanh”. Tất cả khu đất quanh doanh trại đều được quy hoạch, cải tạo thành vườn trồng rau, giao các phân đội quản lý, phụ trách. Những thửa đất nhỏ, manh mún, nằm ở các vị trí tiếp giáp, đơn vị làm hệ thống giàn để trồng các loại cây leo. Đối với các trạm lẻ, tiểu đoàn cũng thường xuyên đôn đốc, động viên anh em đẩy mạnh TGSX, tùy theo điều kiện thực tế xây dựng các mô hình phù hợp. Đến nay, tất cả các trạm của tiểu đoàn đều có vườn rau, chuồng chăn nuôi. Đặc biệt, Trạm 5NK-7 dù chỉ rất ít người nhưng vẫn thường xuyên nuôi được đàn gà, vịt trên 50 con, rau xanh thừa ăn, kể cả thời kỳ giáp vụ, còn bán ra bên ngoài để gây quỹ vốn”.

 Bộ đội Tiểu đoàn 36 chăm sóc vườn rau.

Đi thăm vườn rau của tiểu đoàn, tôi gặp Đại úy QNCN Nguyễn Thị Thu Hương (nhân viên báo vụ Đại đội 7) chăm chú tỉa những ngọn rau mồng tơi xanh non đang độ bước vào thời kỳ thu hoạch. Thấy tôi, chị Hương phấn khởi nói: “Đơn vị tổng trạm có đặc thù riêng, mọi người làm việc theo các ca, kíp, ít có thời gian sinh hoạt tập trung. Song, do nhận thức được ý nghĩa của công tác TGSX, nên ai cũng rất nhiệt tình, trách nhiệm, cứ tranh thủ thời gian nghỉ, rảnh rỗi là tự giác ra chăm sóc vườn rau của mình. Nhờ đó, mùa nào thức nấy, vườn rau của đơn vị luôn quanh năm xanh tốt, bảo đảm đủ rau ăn tại bếp. Có những dịp thừa rau nhập bếp, chúng tôi được chỉ huy cho hái mang về nhà, vừa tiết kiệm chi phí cho gia đình, lại bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm...”.

Trao đổi với tôi, Đại úy Nguyễn Huy Vinh, Phó chủ nhiệm Hậu cần lữ đoàn cho biết thêm, ngoài các mô hình tăng gia quanh bếp, quanh nhà ở các đơn vị chật hẹp, nhưng đơn vị có diện tích rộng hơn, lữ đoàn đã đầu tư, xây dựng mô hình TGSX tập trung, với hệ thống “vườn-ao-chuồng-giàn” khép kín. Hiện nay, khu TGSX tập trung tại Tiểu đoàn 13 thường xuyên nuôi hàng trăm con lợn nái, lợn thịt; hàng nghìn con gia cầm, chim bồ câu... Hằng tuần, cán bộ hậu cần đều tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác TGSX. Khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn, hậu cần đơn vị thường xuyên cử cán bộ đến theo dõi, phối hợp với thú y địa phương phòng dịch, nên đàn lợn của đơn vị vẫn khỏe mạnh, phát triển an toàn. Riêng việc đơn vị duy trì được đàn lợn nái, bảo đảm đủ nguồn giống tại chỗ, đã giúp rất nhiều cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, về cơ bản lữ đoàn đã tự túc được rau xanh, thịt lợn, gia cầm và hơn 60% lượng cá; các bếp tập trung đã tự chế biến được đậu phụ, nước mắm phục vụ bữa ăn của bộ đội. Gần đây, các trạm lẻ đang chuyển hướng nuôi dê, ong mật, chim bồ câu… bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhờ thực hiện tốt “4 không”, nên năm 2018, Lữ đoàn Thông tin 80 đã thu hoạch được gần 56 tấn rau xanh các loại; 43,2 tấn thịt lợn, gần 10 tấn cá tươi; tự muối nén hơn 7 tấn dưa, củ, quả; sản xuất gần 9 tấn đậu phụ. Trong 6 tháng của năm 2019, lữ đoàn đã thu hoạch được 28 tấn rau, củ, quả, 23 tấn thịt, 4,8 tấn cá… Nhìn chung, các chỉ tiêu TGSX của lữ đoàn năm 2018 và 6 tháng của năm 2019 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó, chăn nuôi lợn vượt chỉ tiêu hơn 60%. Những kết quả này góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe bộ đội, giúp cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đơn vị yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Bài và ảnh: VĂN CHIỂN