Theo tài liệu lưu giữ tại Bảo tàng, họa sĩ Phạm Thanh Tâm sinh năm 1932, quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm 1950, Phạm Thanh Tâm xung phong vào bộ đội, được phân công về Ban Chính trị Trung đoàn 34 làm phóng viên.

Sau đó, Phạm Thanh Tâm trở thành phóng viên thường trực của Đại đoàn Công pháo 351. Giữa năm 1952, ông được gửi đến một đơn vị ở gần Côn Minh (Trung Quốc), là trung tâm huấn luyện quân sự rất nghiêm khắc. Cuối tháng 1-1954, ông trở lại chiến trường.

Cuốn nhật ký được tác giả Phạm Thanh Tâm thực hiện từ tháng 2-1954, phản ánh cuộc hành quân đầy gian khổ, hy sinh của các chiến sĩ pháo binh chỉ bằng đôi tay trần đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn vượt qua núi non hiểm trở vào sát trận địa.

leftcenterrightdel

Cuốn “Nhật ký Điện Biên Phủ-1954” của họa sĩ Phạm Thanh Tâm trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.  

“1 giờ sáng, lệnh chuẩn bị đi tức khắc. Dậy trong mờ tối loạt soạt gấp bạt, ba lô. Tiếng khẩu đội trưởng bảo phá cửa hầm chuẩn bị cho pháo ra. Mấy đồng chí vác đạn trước rồi vác cọc, vồ, bó trúc, chèn, hòm phụ tùng các thứ lỉnh kỉnh... Anh em bộ binh, cao xạ mỗi khẩu khoảng 20 người kéo giúp. Khẩu đội trưởng hô: “Hai, ba này! hai, ba...”, tất cả hì hục kéo lên, đẩy lên, vắt càng sang phải, sang trái, chèn nhanh. Rồi cứ thế "hai, ba này". Xuống dốc, tời kêu kìn kịt” (trích: Nhật ký Điện Biên Phủ-1954).  

Là phóng viên, Phạm Thanh Tâm đã di chuyển khắp chiến trường qua mô tả trong nhật ký về những chiến sĩ pháo binh, lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia mở đường, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực phục vụ chiến dịch.

Đặc biệt, quá trình bám sát trận địa, ăn ngủ cùng bộ đội, ông còn dành nhiều trang nhật ký viết về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Quân đội nhân dân Việt Nam... với tất cả tấm lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc. Phần cuối cuốn nhật ký là những bài hát, bài thơ do chính ông sáng tác nhằm cổ vũ, động viên tinh thần đồng chí, đồng đội trước mỗi trận đánh. Trong đó có một số bài tiêu biểu, như: “Đoàn quân anh dũng bắn phi cơ”; “Cho toàn Tây Bắc yên vui”; “Giặc Pháp ở Điện Biên Phủ sợ pháo ta”; “Hoan hô chiến thắng Điện Biên”... Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã trao cuốn nhật ký đặc biệt của mình tặng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.