Theo Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, biểu hiện sinh động là tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung. Nhân dân ba nước Đông Dương luôn dành cho nhau những điều kiện thuận lợi nhất để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Ở khu vực Đông Nam Á, Miến Điện (Myanmar ngày nay) là một trong những nước có quan hệ hữu nghị sớm nhất với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1947, Việt Nam đặt cơ quan liên lạc đầu tiên tại Yangon. Năm 1948, hai bên nhất trí nâng cấp cơ quan liên lạc thành Văn phòng Thông tin tuyên truyền để mở rộng tuyên truyền quốc tế, phát hành Bản tin Việt Nam Thông tấn xã đến nhiều nước, đồng thời kịp thời gửi về nước tin tức thế giới phục vụ công tác chỉ đạo kháng chiến. Ngoài Miến Điện, Thái Lan cũng là nước có sự ủng hộ sớm và hiệu quả đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đáng kể nhất là dưới thời Thủ tướng Priđi. Những năm này, Chính phủ của Thủ tướng Priđi đã tin cậy, ủng hộ Việt Nam rất mạnh mẽ. Ngoài việc tạo điều kiện công ăn việc làm cho hàng chục nghìn Việt kiều, họ còn cho mượn đất làm căn cứ du kích, cấp vũ khí đủ trang bị cho một số đơn vị nhỏ, để các đơn vị này trở về Việt Nam chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ cộng hòa (18-1-1950), thì Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây là thắng lợi và sự ủng hộ to lớn về chính trị. Từ đây Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em bắt đầu giúp đỡ, viện trợ vật chất, trang bị... cho cuộc kháng chiến của Việt Nam.

leftcenterrightdel
Hỏa tiễn 6 nòng 122 ly do Liên Xô sản xuất, được Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam vào những ngày cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Về phía Trung Quốc, thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng chí Lưu Thiếu Kỳ khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm chi viện cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam”[1]. Trung Quốc đã giúp đỡ huấn luyện một số đơn vị quân đội và cử cố vấn trên các lĩnh vực như tham mưu, chính trị, hậu cần… để cùng các vị tướng lĩnh Việt Nam tiến hành khảo sát thực tiễn, lên kế hoạch chiến đấu, chuẩn bị chiến trường và đưa ra phương án tác chiến. Đặc biệt, với chủ trương “Trung Quốc quyết định toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu đều cố gắng cung cấp nhanh nhất”[2], tính chung trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, “Trung Quốc cung cấp 8.286 tấn vật tư, bao gồm 4.620 tấn xăng dầu, 1.360 tấn đạn dược, 46 tấn vũ khí và 1.700 tấn gạo”[3].

Điều cần nhấn mạnh là “1.700 tấn gạo viện trợ của Trung Quốc bằng 6,8% tổng số gạo huy động cho chiến dịch, còn 3.600 viên đạn pháo 105mm Trung Quốc chi viện (cơ số đạn đi theo 24 khẩu pháo viện trợ đưa về Việt Nam từ cuối năm 1953) chiếm 18% tổng số đạn pháo được sử dụng, sau đó, Trung Quốc chuyển thêm cho Quân đội nhân dân Việt Nam 7.400 viên đạn 105mm, dù đạn pháo 105mm của Trung Quốc đã trở nên khan hiếm sau chiến tranh Triều Tiên. Những ngày cuối Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc tiếp tục giúp trang bị cho một tiểu đoàn ĐKZ 75mm và 12 dàn hỏa tiễn 6 nòng. Hai tiểu đoàn này đã kịp thời tham gia đợt tổng công kích cuối cùng diễn ra chiều ngày 6-5-1954 và đã sử dụng 1.136 viên đạn”[4].

Về phía Liên Xô, từ năm 1950, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam một số mặt hàng có ý nghĩa chiến lược về quân sự và kinh tế. Số liệu thống kê của Việt Nam cho thấy, “từ tháng 5-1950 đến tháng 6-1954, trong số 21.517 tấn hàng viện trợ quốc tế với tổng giá trị 54 triệu rúp thì toàn bộ pháo cao xạ 37mm-76 khẩu, hỏa tiễn (Cachiusa), toàn bộ số tiểu liên K50 và 685 chiếc ô tô vận tải là của Liên Xô”[5].  

Sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp và nhân dân Pháp cũng rất đáng kể. Nhân dân Pháp gọi cuộc chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương là “Cuộc chiến tranh bẩn thỉu, phi chính nghĩa, phản động, chống lại tự do của nhân dân Việt Nam”. Đến tháng 8-1953, 82% người Pháp đồng tình chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược đó. Đại tá Nguyễn Văn Sáu chia sẻ, Đảng Cộng sản Pháp đã cử một số đảng viên sang giúp Việt Nam làm công tác binh vận trong hàng ngũ quân đội Pháp. Cùng với hành động can đảm của nữ công nhân Raymonde Dien dũng cảm nằm chắn trên đường ray tàu hỏa, chặn đoàn tàu chở vũ khí, binh lính từ Pháp sang Việt Nam, trên các diễn đàn quốc tế, các đại hội học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ,… các bạn Pháp đều chủ động gặp gỡ các đại biểu Việt Nam, nhờ họ mang về Việt Nam nhiều tặng phẩm, quà, báo chí, thư từ, tiền bạc. Ngoài ra, các tổ chức của nước Pháp như Tổng Công đoàn, Liên đoàn Phụ nữ, Liên đoàn Thanh niên đã có nhiều hình thức đấu tranh khác nhau rất sáng tạo, như: Lấy chữ ký đòi hòa bình ở Việt Nam để trao cho các ủy viên hội đồng thành phố, trao cho các nghị sĩ, bộ trưởng, tổng thống; mít tinh biểu tình trong khắp nước; tổ chức những buổi họp mặt mang tên “Vì Việt Nam”; tổ chức các hòm phiếu đòi hòa bình ở Việt Nam,…

VĂN DUYÊN


[1] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Nxb Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 2002 (Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch; Dương Danh Dy hiệu đính), tr.18.

[2] Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy Điện Biên, Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội, 2014, tr.469.

[3] Micheal Clodfelter, Vietnam in Military Statistics, A History of the Indochina Wars, 1772-1991, (Jefferson, NC: McFarland & Co, Inc., 1995), p.28.

[4] Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy Điện Biên, Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực, Nxb QĐND, Hà Nội, 2019, tr.651.

[5] Tập tài liệu về nhu cầu giao nhận và phân phối hàng viện trợ năm 1952, 1953, 1954, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Phông Phủ Thủ tướng, đơn vị bảo quản 2167.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.