Đồi D1 được chọn làm địa điểm đặt Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ bởi di tích này nằm ở vị trí trung tâm thành phố, địa thế đẹp; từ di tích có thể quan sát toàn bộ lòng chảo Mường Thanh. Đây cũng là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử, tính nhân văn và tâm linh sâu sắc, tôn vinh đúng tầm ý nghĩa to lớn về một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là niềm tự hào của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

leftcenterrightdel

Cụm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ có 3 chiến sĩ đứng lưng tựa vào nhau, bế em bé dân tộc Thái trên tay cầm một bó hoa, trên cùng là lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ có chiều cao 12,6m, dựng trên bệ cao 3,6m, gồm 12 thớt (có những thớt nặng 40 tấn), được đúc bằng 217 tấn đồng nguyên chất. Tác giả mẫu tượng đài là nhà điêu khắc Nguyễn Hải, quê huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Thời trẻ ông là chiến sĩ Tiểu đoàn 307 lừng danh. Năm 1963, ông tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và bắt tay vào việc sáng tác Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, trước khi phác họa tác phẩm này, nhà điêu khắc Nguyễn Hải chưa từng đến Điện Biên. Toàn bộ ý tưởng cho ra đời mẫu Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đều thông qua tranh, ảnh, sách, báo, âm nhạc, trong đó có các tác phẩm viết về Điện Biên đã trở thành kinh điển, như: Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận; Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân; Bế Văn Đàn của nhạc sĩ Huy Du... , tất cả trỗi dậy trong lòng nhà điêu khắc ý thức sáng tác về Điện Biên Phủ. Tác phẩm bắt đầu được làm từ năm 1963 đến cuối 1964 mới xong...”.

leftcenterrightdel
Tượng đài có chiều cao 12,6m, dựng trên bệ cao 3,6m, gồm 12 thớt (có những thớt nặng 40 tấn), được đúc bằng 217 tấn đồng nguyên chất. 

Theo đồng chí Phạm Thị Tình, hướng dẫn viên Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên, Cụm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ có 3 chiến sĩ đứng quay lưng vào nhau, một em bé dân tộc Thái, một bó hoa và một lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng. Trong đó, chiến sĩ phất cao lá cờ tượng trưng cho các đại đoàn tham gia chiến dịch năm xưa, khi sáng tác, tác giả liên tưởng đến chiến sĩ phất cờ trên nóc hầm Tướng De Castries, một chiến sĩ bế em bé dân tộc Thái trên tay cầm một bó hoa tượng trưng cho những văn nghệ sĩ Quân đội đã và đang ngợi ca chiến thắng, để chiến thắng mãi mãi đi vào sử sách.

Em bé dân tộc Thái tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ của các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Tây Bắc giàu đẹp. Chiến sĩ thứ ba trong cụm tượng thể hiện tinh thần luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Việt Nam.

leftcenterrightdel
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đặt trên Đồi D1, trong quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ không chỉ là biểu tượng của chiến thắng mà còn là điểm đến của hầu hết du khách khi đặt chân đến mảnh đất Điện Biên lịch sử. 

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Hải, sau khi tác phẩm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được lựa chọn đặt trên Đồi D1 thì công việc chỉnh sửa tác phẩm từ tượng đặt trong nhà thành tượng đài đặt ngoài trời, trong một không gian rộng lớn, chịu tác động trực tiếp của thiên nhiên đặt ra không ít khó khăn cho hội đồng nghệ thuật. Các chuyên gia đã dày công tìm tòi, sáng tạo để chỉnh sửa bức tượng cho phù hợp điều kiện thực tế, như: Bắp chân, bắp tay của chiến sĩ phải to hơn, chân đứng choãi ra, lá cờ thu nhỏ lại và thấp xuống,...

Trong quá trình chỉnh sửa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến tham gia góp ý và tỏ vẻ hài lòng vì mẫu tượng vừa mang tính nghệ thuật, vừa thể hiện được tinh thần quyết thắng của quân và dân ta. Đại tướng có đóng góp một số ý kiến, như: “Lá cờ phải thêm dòng chữ “Quyết chiến, Quyết thắng. Em bé trai đổi thành em bé gái, mặc áo truyền thống dân tộc Thái, đội khăn piêu. Trang phục của anh bộ đội phải đúng quân trang bộ đội năm 1954”.

leftcenterrightdel

Từ trên tượng đài có thể quan sát toàn cảnh thành phố Điện Biên Phủ.

Tượng đài bắt đầu đúc từ ngày 14-11-2003 do Công ty Mỹ thuật Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đảm nhiệm. Thời điểm đó, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là cụm tượng đồng cao, to và nặng nhất Việt Nam.

Ngày 23-2-2004, đoàn vận chuyển tượng xuất phát từ xưởng đúc đồng Ý Yên, Nam Định khởi hành lên Điện Biên. Trải qua 8 ngày vận chuyển bởi đoàn xe siêu trường, siêu trọng bằng đường bộ và đường thủy với gần 700km, trưa ngày 1-3-2004, đoàn xe đã tiến vào cửa ngõ thành phố Điện Biên Phủ trong bạt ngàn cờ hoa và sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên. Công trình được khánh thành vào ngày 30-4-2004, trước thềm kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

leftcenterrightdel
Sân hành lễ chân Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, giáo dục truyền thống. 

Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, giai đoạn II của công trình Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1 đã được hoàn thành, gồm: Trục hành lễ và tuyến vọng cảnh.

Điểm khởi đầu lên Tượng đài là sân hành lễ có diện tích khoảng 3000m2. Phía Nam sân hành lễ là bức phù điêu đại cảnh bằng đá lớn nhất Đông Nam Á, chiều dài 58m, cao trung bình 7,5m, được ghép từ 217 tấm đá xanh Thanh Hóa, nặng 400 tấn.

Nội dung bức phù điêu gồm 4 chương, tái hiện toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử từ khi Đảng và Bác Hồ quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với thực dân Pháp, quá trình chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, diễn biến Chiến dịch và kết thúc là lễ khải hoàn mừng chiến thắng tại Mường Phăng ngày 13-5-1954.

leftcenterrightdel
Bức phù điêu gồm 4 chương, tái hiện toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử từ khi Đảng và Bác Hồ quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với thực dân Pháp, quá trình chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, diễn biến Chiến dịch và kết thúc là lễ khải hoàn mừng chiến thắng tại Mường Phăng ngày 13-5-1954. 

Trục hành lễ đi lên Tượng đài gồm 320 bậc, với 3 chiếu nghỉ lớn tượng trưng cho 3 đợt tấn công của chiến dịch; hai bên trục hành lễ là 56 cột mốc làm bằng đá xanh Thanh Hóa, tượng trưng cho 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai bên sườn đồi dọc trục hành lễ trồng cây hoa ban và một số cây khác tạo cảnh quan thiên nhiên và môi trường thân thiện cho cả khu di tích.

Xung quanh Tượng đài là tuyến cảnh quan, gồm: Hệ thống 5 đường dạo xung quanh Đồi D1 và 5 điểm vọng cảnh tượng trưng cho 5 Đại đoàn chủ lực tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ; đồng thời vừa tạo cảnh quan về thiên nhiên vừa mang tính thẩm mĩ.

Công trình Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là điểm đến của chiến thắng và hòa bình, là điểm nhấn trong hành trình du lịch lịch sử và cũng là biểu tượng cho tinh thần quyết chiến, quyết thắng, là biểu tượng hòa bình, độc lập trong thời đại ngày nay.

HOÀNG TRƯỜNG (theo Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ  - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.