Tham gia đoàn công tác có các đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Về phía tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mùa A Sơn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh...

Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Hiện nay di tích có tổng số 45 điểm di tích thành phần, là nơi ghi dấu Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tiếng pháo tấn công vào cụm cứ điểm Him Lam (Béatrice) mở màn cho chiến dịch vào ngày 13-3-1954 là sự kiện hết sức quan trọng.

Chiến thắng Him Lam oanh liệt giáng đòn choáng váng vào sự kiêu căng, tự đắc của thực dân Pháp về một “cánh cửa thép” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “bất khả xâm phạm”, làm tiền để cho Chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi lễ động thổ công trình. 

Nhằm tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ lâu dài giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, việc bảo tồn, tôn tạo di tích Khu trung tâm đề kháng Him Lam là hết sức cần thiết. Năm 2006, dự án đã được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt, triển khai. Đồng thời, với mục đích tiếp tục phát huy các giá trị của di tích Khu trung tâm đề kháng Him Lam nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan, du lịch… cho đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước, UBND tỉnh Điện Biên thực hiện giai đoạn 2 của dự án với nội dung quy mô như sau: Bức phù điêu tại sân chờ đồi Him Lam, nhà dâng hương, sửa chữa các tuyến kè, chỉnh trang và cải tạo đường bê tông, làm bậc lên xuống, sân dâng hương, sân quảng trường, bãi đỗ xe, trồng hệ thống cây xanh, vườn hoa tạo cảnh quan... Tổng mức đầu tư dự án là 90 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương (giai đoạn 2021-2025) và nguồn vốn xã hội hóa.

Tại buổi lễ, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Khu trung tâm đề kháng Him Lam (giai đoạn 2) sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng sẽ từng bước hoàn thiện việc trùng tu, tôn tạo các di tích quan trọng trong quần thể, góp phần gìn giữ giá trị nguyên trạng của khu di tích. Đồng thời, đây là hành động tri ân với các chiến sĩ Điện Biên và anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ; giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Cùng với đó, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân cả nước, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khi đến mảnh đất Điện Biên anh hùng.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cùng thực hiện nghi lễ động thổ Công trình Bảo tồn, tôn tạo di tích Khu trung tâm đề kháng Him Lam (giai đoạn 2).

leftcenterrightdel

Các đại biểu thực hiện nghi lễ gắn biển tên đường Phạm Văn Đồng tại phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ.

Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu di chuyển ra vị trí gắn biển tên đường và thực hiện nghi lễ gắn biển tên đường Phạm Văn Đồng tại phường Mường Thanh và đường Nguyễn Ngọc Bảo tại phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ.

Việc đặt tên đường vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024) thể hiện tấm lòng tri ân đối với các danh nhân và các anh hùng liệt sĩ đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, gắn với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Tin, ảnh: HỒNG SÁNG - HIẾU TRƯỜNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.