Ngay khi đặt chân đến vùng đất phía Tây Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, đoàn đã đến dâng hương, đặt lễ và vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, Nghĩa trang Liệt sĩ Độc lập, Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao, Nghĩa trang Liệt sĩ Him Lam…

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, thay mặt cho đoàn, Đại tá Phạm Đức Kiên, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh đã dâng nén hương thơm, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

leftcenterrightdel

 Đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh Thái Bình dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

leftcenterrightdel
 Đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh Thái Bình dâng hương tại Nghĩa trang Độc Lập.

Về với miền ký ức rực lửa của cha ông năm xưa, trong lòng mỗi chúng tôi đều có một cảm xúc dâng trào, xen lẫn vinh dự và tự hào. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Chiến, Trưởng Ban Quân nhu, Phòng Hậu cần – Kỹ Thuật, Bộ CHQS tỉnh chia sẻ: "Đây là lần đầu tôi về với Chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Được thắp những nén hương thơm lên phần mộ của các anh hùng liệt sĩ, tôi vô cùng xúc động và cảm phục".

Thời điểm ấy, trong điều kiện chiến tranh vô cùng khốc liệt, dưới sự dẫn dắt của Đảng, Bác Hồ kính yêu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta đã sát cánh cùng nhau, dốc toàn lực trong "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan ko núng, chí không mòn". Chúng ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trước một đế quốc thực dân hùng mạnh, làm lên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu"... Trong thắng lợi vẻ vang ấy, từ tháng 2 đến 5-1954, tỉnh Thái Bình đã chi viện cho bộ đội chủ lực gần 3.000 người; có hàng nghìn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã xung phong lên đường tham gia chiến dịch. Tỉnh đã huy động hàng trăm phương tiện, hàng nghìn ngày công gánh gạo vượt sông Hồng, sông Đáy đi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong số đó, có 2.538 người đã phải để lại một phần xương máu tại chiến trường, 268 người đã anh dũng hy sinh...

leftcenterrightdel
 Đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh Thái Bình tham quan khu di tích đỉnh Đồi A1.

Máu đào của thế hệ cha ông đã nhuộm thành màu cờ Tổ quốc, để cho thế hệ hôm nay được sống trong thanh bình hạnh phúc. Trung tá QNCN Đỗ Công Nam, nhân viên Ban CHQS huyện Kiến Xương, một trong những con em có bố là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chia sẻ: Được thắp nén hương thơm lên phần mộ Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Liệt sĩ Bế Văn Đàn, Liệt sĩ Phan Đình Giót…; được tham quan các di tích lịch sử là sự trải nghiệm quý báu đối với thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay.      

"Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng"… Tạm biệt vùng đất phía Tây Bắc thiêng liêng và hùng vĩ của Tổ quốc, nơi cất giữ những bài học quý giá, góp phần làm nên giá trị lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Vần thơ trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của nhà thơ Tố Hữu cứ vang lên trong tâm tưởng… Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thái Bình nguyện phát huy truyền thống “Đoàn kết - Chiến đấu - Sáng tạo - Quyết thắng”, viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh.

Bài, ảnh: VĂN DŨNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.