Ngày 17-3-1954, trong Hội nghị Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ nhiệm vụ cho các lực lượng phải “nhanh chóng tiếp cận, bao vây quân địch, đồng thời tiếp tục khống chế sân bay, tích cực tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, tiến tới giành ưu thế về binh, hỏa lực, tạo điều kiện chuyển sang giai đoạn thứ ba”.
Từ đây, việc xây dựng trận địa tiến công và bao vây phân khu trung tâm của địch bước sang một giai đoạn mới. Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304, được phối thuộc Tiểu đoàn 888 (Đại đoàn 316), một Đại đội lựu pháo 105 ly, một Đại đội súng cối 120 ly, 18 khẩu trọng liên cao xạ 12,7 ly, có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo binh địch ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh, đánh quân nhảy dù ở xung quanh và phía Nam Hồng Cúm.
 |
Phân khu Nam của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Svhttdl.dienbien.gov.vn
|
Phân khu Nam của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm cụm cứ điểm Hồng Cúm (Isabelle), sân bay dự bị và trận địa pháo, nằm cách phân khu trung tâm khoảng 5km có nhiệm vụ bảo vệ cho trung tâm Tập đoàn cứ điểm ở hướng Nam và sẽ trở thành bức tường thành bao vây, vững chắc và khống chế toàn bộ lòng chảo Điện Biên Phủ. Quan trọng nhất tại khu phòng ngự này là cụm cứ điểm Hồng Cúm, nằm dưới quyền chỉ huy của Đại tá Lalande, một trong những tướng lĩnh có tài của quân đội Pháp. Lực lượng được bố trí tại đây khá mạnh, gồm: Tiểu đoàn lê dương số 3, Tiểu đoàn Angieri số 2, Tiểu đoàn Angieri số 5 (một đại đội), Tiểu đoàn ngụy Thái số 3, một tiểu đoàn pháo 105, một đại đội súng cối 120 ly, một đại đội xe tăng (2 chiếc) với tổng số 2.000 binh lính và một sân bay chạy dài theo đường 41 (nay là Quốc lộ 279). Hỏa lực bao gồm nhiều súng cối các cỡ, súng phun lửa và các loại súng bắn thẳng bố trí thành một hệ thống vừa tự bảo vệ vừa yểm hộ cho những cứ điểm xung quanh.
Khi xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Navarre đã cho xây dựng 2 sân bay, sân bay chính là Mường Thanh và sân bay dự bị là Hồng Cúm. Mục đích của việc xây dựng 2 sân bay này là để nhận quân tăng viện của Pháp từ Hà Nội và một số cảng hàng không khác lên phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ. Nếu đường hàng không bị khống chế hoặc cắt đứt, Tập đoàn cứ điểm sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu. Muốn bao vây Hồng Cúm và kiềm chế pháo binh địch có hiệu quả, Trung đoàn 57 phải tiến hành hàng loạt công tác chuẩn bị khác nhau: làm đường vận chuyển pháo, vận chuyển lương thực, đạn dược, xây dựng trận địa pháo binh, các trận địa cho các đơn vị xung kích...
Đêm ngày 23-3, các đường giao thông hào và chiến hào của trung đoàn đã hình thành một trận địa liên hoàn siết chặt xung quanh Hồng Cúm cắt rời nó với phân khu trung tâm, chấm dứt việc hạ cánh của máy bay trên đường băng tại sân bay Hồng Cúm. Những hoạt động khác bằng bộ binh, cơ giới cũng đều bị loại trừ. Đầu tháng 4 năm 1954, trận địa của Trung đoàn 57 bắt đầu lấn dần vào phân khu, ta đã xây dựng một trận địa hình cánh cung, chạy từ Đông sang Tây, cắt rời phân khu Nam với khu trung tâm Mường Thanh, những đường chiến hào của Trung đoàn 57 ngày càng tiến vào gần các lô cốt địch.
 |
Bộ đội ta đào hào trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Tại phân khu Nam, việc đào hệ thống giao thông hào kết hợp đánh áp sát và bắn tỉa khiến diện tích chiếm đóng của Pháp bị thu hẹp. Từ ngày 27-3, không một máy bay nào có thể tiếp cận được với Điện Biên Phủ. Mọi tiếp tế của Hà Nội cho Tập đoàn cứ điểm chỉ bằng con đường thả dù. Tuy máy bay địch bay với tốc độ chậm cũng chỉ có khoảng mấy giây để thả dù, đồ tiếp tế của quân Pháp thường rơi ra ngoài mục tiêu, rơi sang trận địa của bộ đội ta. Trung đoàn 57 thu được khá nhiều dù tiếp tế, có ngày thu được trên 3 tấn hàng các loại.
Sau cuộc chạm trán với Trung đoàn 57, một binh lính thuộc Tiểu đoàn dù lê dương số 1 đã bộc bạch: Ngày nào cũng như vậy. Chúng tôi phải đi từ Nam tới Bắc, từ Đông sang Tây và mỗi ngày lại đi ngắn hơn một chút. Tôi đã nhìn thấy các thành trì như thế nào rồi. Nó không như là Carcassonne hoặc Montlouis mà tôi đã từng học. Ở đây thì lại hoàn toàn khác. Điện Biên Phủ của đối phương cũng có thể là một thành trì pháo đài vì ở đây người ta chỉ xây các đồn canh mà không xây tường... Rồi lại đào cả những hố sâu giữa các vị trí. Điện Biên Phủ của chúng ta không phải là một thành trì không thể xâm phạm.
Với chiến thuật đào hào để “vây lấn”, từng bước bao vây, siết chặt, tiếp cận dần vào các vị trí hàng rào dây thép gai và các ụ súng, lô cốt của quân Pháp, quân ta đã tránh được sự sát thương bởi các hỏa điểm, đạn pháo của địch, từng bước áp sát, đánh chắc, tiến chắc, tạo bàn đạp để quân ta mở đợt tổng công kích tiến công tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm địch ở Điện Biên Phủ. Đây là bước phát triển nhảy vọt về chiến thuật của Quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
HUYỀN TRANG (lược trích)
1. Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn)
2. Báo Quốc phòng Thủ đô (quocphongthudo.vn)