Khi Quân đội ta bắt đầu tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì quân địch càng tăng cường đánh chặn ta dọc các chặng đường hành quân, vận tải lương thực, thuốc men, vũ khí... phục vụ chiến trường. Hằng ngày, máy bay địch lùng sục bắn phá, chọn những cung đoạn, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm để thả bom, đào sâu, bóc mặt đường và thả bom nổ chậm.

Trung đội Trinh sát chốt trên đỉnh đèo Pha Đin chọn những điểm cao để quan sát. Mỗi lần máy bay đến thả bom, nghe tiếng bùng bục, mặt đất rung chuyển, không có tiếng nổ, là họ lao tới, tìm chỗ quả bom rơi cắm lên đó một cờ chéo, màu đỏ, báo hiệu ở đây có bom nổ chậm.

leftcenterrightdel

Thanh niên xung phong phá đá, mở rộng đường qua núi. Ảnh tư liệu TTXVN 

Là Trung đội trưởng B2, kiêm quản trị trưởng, tôi đi theo tổ tiền trạm đến với Trung đội Trinh sát. Tôi trèo đèo, mồ hôi tháo ra như tắm. Vào cái quán tự giác của bà con dân tộc Thái, tôi chọn mấy quả chuối tiêu vỏ vàng rộm và hai quả ổi thật to. Tôi bỏ tiền vào cái rá trả cho chủ quán vắng mặt rồi tiếp tục đi. Cây cối hai bên đèo xơ xác. Cây thì đổ gục, cây thì nằm ngang trên hố bom. Mặt đường bị bom đạn cày xới tung tóe. Đến một đoạn đường vòng hẹp, nhìn xuống vực thẳm tôi thấy 2 chiếc xe ô tô tải, cái chúc đầu xuống, cái giơ bốn bánh lên trời. Chợt nhớ lời tâm sự của anh em lái xe:

- Đường hẹp, mưa thì trơn như đổ mỡ. Lái xe chạy suốt đêm, mắt cứ ríu lại. Xe chạy bằng đèn gầm thiếu ánh sáng, chệch một tí là xong đời!

Cả đoạn đèo này là trận địa rà phá bom của đơn vị. Hằng ngày khi mặt trời lặn là toàn đội kéo quân ra. Anh em theo cờ hiệu mà đào, lôi đầu những quả bom nằm cạn, lăn xuống vực thẳm. Còn quả ở sâu thì khoan lỗ, đặt mìn kích thích cho nó nổ.

Giá mà có cái máy rà mìn, rà bom thì thật tuyệt vời! Chiến sĩ phá bom nổ chậm ở đây chỉ có lòng dũng cảm và cái thuốn. Thuốn là một ống sắt tròn dài từ 4m đến 5m, đầu mũi nhọn, phía trên có khoan mấy hàng lỗ, cái xà beng xuyên qua, 2 người hoặc 4 người quay, khoan xuống, khoan xuống sâu, lại chuyển xà beng lên lỗ trên.

Quả bom nổ chậm nổ đúng giờ hẹn thì ổn, nếu gặp thằng "vô kỷ luật" nổ sớm thì cái sống và cái chết gần nhau như tấc gang.

Kẻng báo động vang lên: Máy bay địch xuất hiện, tốp máy bay 3 chiếc gầm rú dữ dội. Chúng nó lao xuống rồi bay vút lên. Bom rơi xuống mặt đường, có vài quả rơi xuống vực thẳm. Bọn giặc lái xảo quyệt thả bom phá trước để diệt những người đang ở trên đường, sau đó mới thả bom nổ chậm.

Tôi vừa nằm xuống một hố bom cũ đã nghe những tiếng nổ vang tai buốt óc. Mảnh bom, đất đá rơi rào rào, khói bụi mù mịt một vùng. Sức ép quả bom tạo thành luồng gió tạt qua người tôi. Chiếc mũ nan có lưới, buộc những mẩu vải xanh lá cây bay đâu mất, chân bên trái của tôi tê buốt.

Tôi cố gượng ngồi dậy. Chân tôi bị mảnh bom xuyên qua, xé rách mảnh quần và một mảng da đùi, máu chảy loang lổ. Tôi lôi cuộn băng trong xắc-cốt, băng nhanh vết thương. Tuy rất đau, nhưng tôi mừng là mình chưa bị nặng, mặc dù miệng hố bom chỉ cách tôi 5m, mùi thuốc khét lèn lẹt.

Tôi tìm cành cây làm gậy chống, lê bước đi. Mấy anh em đang lom khom cắm cờ hiệu. Một tốp khác đang xúm xít bên một mô đất cao. Thôi, chết rồi, chắc có người bị thương! Tôi nghĩ vậy.

Thấy tôi đến, Tiểu đội trưởng Chiếu, chạy tới mếu máo nói:

- Báo cáo Trung đội trưởng, đồng chí Tùng bị thương nặng ạ.

- Thế còn các chốt khác?

- Không ai việc gì.

Tùng bị thương bên mông và vai, bông quấn khắp người nhưng máu vẫn thấm qua bông, đỏ thẫm. Anh nằm thẳng đờ, miệng rên khe khẽ. Trong chốc lát, anh được đưa về phía sau. Thương đồng đội có người khóc. Họ nhìn theo cái cáng cho đến khi khuất hẳn. Tôi cử người đi lấy cáng. Đây là dụng cụ thường dùng để chở đất đá.

Các đoàn dân công Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa... lần lượt ra mặt đường cùng với bộ đội để san lấp hố bom, sửa lối đi. Họ cười nói vui vẻ, hồn nhiên.

Hôm nay, đâu phải lần đầu tiên, trận địa trên đèo cao này đã có 5 người bị thương, 2 người bị thương nặng, đành phải xuất ngũ. Đơn vị bạn có 2 người hy sinh.

Trong đội viên có người dao động. Đồng chí Đạo, cán bộ Cục Công binh, Chính trị viên Đại đội thường hay nói vui:

- Bom nổ, chưa chắc bị thương, bị thương chưa chắc đã chết! Nhiều người đi chợ cũng bị máy bay giặc Pháp bắn chết. Sống với chết là lẽ thường, lý tưởng là sống mãi...

Biết vậy, nhưng rà phá bom đâu phải chuyện đùa. Xe bị ùn tắc đậu một dãy dài dưới đèo. Các đoàn dân công, xe thồ chở gạo, vũ khí về Điện Biên đều ngồi đợi. Họ đi tìm nhận đồng hương, cười nói rôm rả. Một số lại gần xem chúng tôi làm.

Mũi khoan chạm quả bom, tiếng rèn rẹt, nhè nhẹ, báo hiệu có bom. Anh em ra sức đào lôi đầu nó lên. Dân công hoảng sợ, la hét chạy ra xa:

- Chết, coi chừng bom nổ!

Bom dọn đến đâu, các đoàn dân công san đường, lấp hố bom đến đó. Phá xong quả bom cuối cùng, chúng tôi báo hiệu "an toàn". Xe ô tô, xe thồ, dòng người như thác đổ về Điện Biên Phủ. Nỗi vui sướng của họ, hòa lẫn với niềm vui của chúng tôi.

Ở đây biết bao nhiêu ngày đêm chúng tôi đối mặt với bom nổ chậm, gian khổ hy sinh, nhưng sung sướng nhất là đã góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang, tận mắt thấy bộ đội ta áp giải đoàn quân Pháp bại trận, cúi đầu "diễu hành" qua "lễ đài" Pha Đin. Trời yên, núi rừng bình lặng. Mọi người đổ về xuôi. Riêng đại đội rà phá bom mìn chúng tôi còn ở lại, làm tròn nhiệm vụ: Đi trước về sau!

NGUYỄN THÁI HUYÊN

(trích trong sách "Âm vang Điện Biên", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan