Cách đây 70 năm, Đại tá Dương Chí Kỳ, nguyên Trưởng phòng Xe máy (Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân) là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những kỷ niệm một thời đào hào giao thông, tiến công vào lòng địch, ông Kỳ vẫn nhớ như in.
Cuối năm 1953, khi chiến trường Điện Biên Phủ đang trong giai đoạn quyết liệt, chàng trai Dương Chí Kỳ, 19 tuổi, quê ở Yên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, theo đoàn thanh niên xung phong ra mặt trận với niềm tin chiến thắng. Do lực lượng ở mặt trận mỏng, vừa đặt chân đến Mộc Châu (Sơn La), Dương Chí Kỳ được chuyển sang làm chiến sĩ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Bắt đầu từ đó là những ngày luyện quân gian khổ trên thao trường.
 |
Đại tá Dương Chí Kỳ (thứ ba, từ phải sang) cùng các cựu chiến binh phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh. |
Để chuẩn bị cho đợt tấn công cuối cùng, đơn vị của ông Kỳ phải đào 3 đường giao thông hào tiến sâu vào lòng địch. Đại tá Dương Chí Kỳ cho biết: “Giao thông hào được đặt mật danh bản 1, bản 2, bản 3 và phân công mỗi chiến sĩ đào 4m. Đồ đựng đất đào từ hào lên là những túi dù chiến lợi phẩm thu được của Pháp. Sau đó lót cây rừng lên trên làm nắp hào và lại đổ đất lên. Bộ đội ăn uống kham khổ nhưng tinh thần thì không lùi bước”. Chiến dịch ác liệt nhất là những trận đánh vào sào huyệt lòng chảo của quân Pháp mà đỉnh điểm là đồi A1. Đại tá Dương Chí Kỳ nhớ lại: Lệnh tấn công được mở màn bằng tiếng nổ của quả bộc phá nặng gần 1.000kg. Các loạt đại bác tầm xa và súng cối, đại liên, bazooka cấp tập bắn vào trận địa địch. Các tiểu đoàn, trung đoàn từ trên cao nã pháo rền vang làm cho địch không kịp trở tay. Sau khi được lệnh xung phong, lực lượng bộ binh thừa thắng xông lên. Ngày 7-5, quân ta đã chiếm được toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lúc này, dù ai cũng thấm mệt, đôi mắt thâm quầng nhưng tất cả dường như tan biến vì hạnh phúc chiến thắng đến ngỡ như trong mơ...
Năm 1958, ông Dương Chí Kỳ cùng đơn vị lên Điện Biên xây dựng nông trường. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông được điều động vào chiến trường khu 4. Đến năm 1972, ông tham gia chiến đấu trong 12 ngày đêm Chiến dịch Phòng không Hà Nội, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cùng đơn vị tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quá trình công tác và cho đến ngày nay, Đại tá Dương Chí Kỳ cũng cống hiến trọn hết mình cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Bài và ảnh: PHAN QUANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.
Đêm 13-3-1954, Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312 chúng tôi đánh trận mở màn thắng lợi. Ba cứ điểm Him Lam, Độc lập, Bản Kéo lần lượt được giải phóng. Trận đầu đánh thắng làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và phấn khởi bước vào chuẩn bị để đánh đợt 2.