Khi được lệnh cắt đứt “dạ dày” của địch, cơ quan tác chiến Trung đoàn 88 nghiên cứu, tham khảo trận địa, đề xuất phương án tác chiến; ra thực địa tổ chức đo đạc, lấy lộ tiêu bố trí phân công cho từng đơn vị. Thời điểm ấy, ta và địch ở cự ly rất gần nên ta tổ chức đánh lấn, đào hào tiến dần về phía địch. Cơ quan tác chiến Trung đoàn đo đạc chia đất cho các đơn vị đào hào. Tuy nhiên, việc đào hào vô cùng khó khăn, địch ở gần, bộ đội nằm phơi mình đào rất nguy hiểm. Rút kinh nghiệm từ các trận đánh trước, cơ quan tham mưu Trung đoàn hướng dẫn bộ đội đào nhiều lớp chiến hào, nhiều nhánh tựa như xương cá, bảo đảm dễ ẩn náu và chiến đấu được ngay khi địch tấn công.

leftcenterrightdel
Các đơn vị xung kích của ta tiến công sân bay Mường Thanh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

Những ngày đầu xây dựng trận địa, mỗi chiến sĩ bố trí cách nhau chừng 3m, đào ở tư thế nằm, sau chuyển sang tư thế ngồi, sâu hơn nữa thì chuyển sang quỳ, khi lọt người xuống mới đứng để đào. Tuy nhiên, với khoảng cách giữa ta và địch chỉ từ 100m đến 150m, nhiều chiến sĩ thương vong do địch bắn phá ác liệt. Ban đêm, địch thả pháo sáng để phát hiện mục tiêu và ngăn ta hoạt động. Bộ đội có sáng kiến chặt cành cây đan thành các con cúi đặt phía trước che kín người đào, vừa chắn đạn, vừa che mắt địch, đồng thời hạn chế thương vong.

Ngày 27-3-1954, đơn vị bất ngờ bị địch phản công. Chúng cho xe tăng chọc thủng phòng tuyến và vòng lại phía sau chặn đường rút, gây thiệt hại lớn cho quân ta. Những ngày sau, khi ta được pháo binh chi viện kịp thời, địch bị đánh tan tác, quân số sống sót tháo chạy về trung tâm Mường Thanh. Nhằm chiếm lĩnh lại trận địa, địch dùng mọi cách đánh phá như sử dụng loại phóng lựu, dùng máy bay thả bom châu chấu tới gần đất mới nổ, sử dụng súng 14,5mm 4 nòng đặt gần trung tâm Điện Biên Phủ bắn ra. Trước tình hình đó, Trung đoàn yêu cầu cán bộ, chiến sĩ ẩn nấp vào hầm ếch để tránh thương vong.

Trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, sân bay là nơi giằng co ác liệt nhất, bởi cả ta và địch đều hiểu đây là vị trí sống còn. Địch để mất sân bay là coi như mất đường tiếp tế, mất chi viện, dẫn đến bị cô lập và bị nhổ tận gốc. Còn ta, nếu chiếm được sân bay đồng nghĩa với cắt được nguồn chi viện của địch, máy bay địch sẽ phải thả dù từ trên cao hoặc ra các khu vực lân cận. Khi bị cô lập, địch không thể hạ cánh tiếp tế, ta quyết định tiến công chiếm sân bay. Trong quá trình bao vây sân bay, lực lượng bắn tỉa của ta ở vòng ngoài hễ thấy địch ra là bắn tiêu diệt. Địch bị vây ráp rất căng thẳng. Nắm được quy luật thả dù của địch nên bộ đội ta muốn lấy lương thực, thực phẩm thì tìm dù nhỏ, muốn lấy vũ khí, đạn thì tìm dù to.

Đến cuối tháng 4-1954, sau khi đánh bại 4 lần tiến công của địch vào trận địa, Trung đoàn 88 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hai đợt của chiến dịch, đặc biệt là cắt đứt và làm chủ sân bay Mường Thanh. Sân bay Mường Thanh bị cắt đứt đã khiến quân địch ở Điện Biên Phủ ngày càng lâm vào tình thế khốn quẫn, tạo điều kiện cho lực lượng của ta vững vàng bước vào đợt 3, tiến tới kết thúc toàn thắng của chiến dịch. Đêm 1-5-1954, bộ đội trên toàn mặt trận tiến sát trung tâm Mường Thanh, trong lúc đơn vị bạn đánh chiếm các mục tiêu đồi C1, thì cứ điểm 311A và một số mục tiêu khác được giao cho Trung đoàn 88 đánh chiếm. Chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, Tiểu đoàn 29 và 322 dưới sự yểm trợ của pháo binh Trung đoàn và Đại đoàn đã diệt và bắt sống nhiều tên địch của cứ điểm 311A. 

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Trung đoàn 88 đã có những đóng góp xứng đáng vào chiến công vẻ vang này. Đặc biệt, những trận đánh kiên cường, dũng cảm chiếm giữ sân bay Mường Thanh đã góp phần để quân ta đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp.

Đại tá NGUYỄN QUỐC THỊNH, Nguyên cán bộ tác chiến Trung đoàn 88, Đại đoàn 308; nguyên Phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.