Đang làm nhiệm vụ sản xuất vũ khí chi viện cho chiến trường ở quê, theo tiếng gọi của Đảng, tôi nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 thuộc Sư đoàn 351. Tôi vinh dự được tham gia xây dựng Trung đoàn 367, đơn vị cao xạ pháo đầu tiên của Việt Nam và chúng tôi được sang nước bạn học tập.

Về nước, chúng tôi được lệnh đi chiến đấu. Sau thời gian ngắn chuẩn bị, một cuộc hành quân cấp tốc, đơn vị chúng tôi đã tới nơi tập kết để tham gia chiến dịch-lúc đó có tên “Trần Đình”.

Phương châm tác chiến của chiến dịch lúc đầu là “đánh nhanh, giải quyết nhanh” để đánh bất ngờ, trên lệnh mở đường đưa pháo vào thật sát địch nên phải mở đường để kéo pháo.

 

 

Bộ đội kéo pháo ra. Ảnh: Tư liệu 

Gần 5.000 người, chỉ trong một đêm bằng ý chí quyết tâm và lao động cật lực, tài trinh sát cho mở đường…15 km đường ven núi đã hoàn thành, bắt đầu từ đường 11-km 70 - Bản Nham, vượt đỉnh Phu-pha-sông cao 1450m, đổ xuống vực Nậm Khô, quanh co, lượn vòng các sườn núi, có nơi dốc núi đến 70 độ, có đoạn phải bắc cầu, có mặt đường chỉ mở được 2m7, 2m8…

Ngày 14-1-1954, được lệnh, chúng tôi kéo pháo vào. Ban đầu đưa thử một khẩu 105 ly và 1 khẩu cao xạ 37 ly, cả 2 đều lần đầu xuất trận. Pháo to, nặng, phải dùng tới 30 người kéo một khẩu mới lên nổi các dốc. Người dàn thành hàng đôi, đứng hai bên sợi dây chão to, dài hàng chục mét. Để kéo pháo đi phải nhờ tới các đồng chí bộ binh, còn chúng tôi, các phảo thủ thì cầm chèn, hai bên, chèn bánh pháo. Trời đêm, lại trong rừng, người chỉ huy phải mặc áo màu sáng-cầm miếng gỗ có lân tinh vừa dẫn đường, vừa chỉ huy. Mỗi lần chỉ huy hô: Hai… ba… nào, thì tất cả cùng dồn sức kéo pháo. Khi lên dốc cao, mỗi lần hô chỉ nhích được vài chục phân… và mỗi đêm chỉ kéo đi được vài cây số. Phải sau 9 đêm, đơn vị mới hoàn thành việc kéo pháo vào bố trí tại cánh đồng Na-hi, Bản Tấu. Căn cứ vào địa hình trên cánh đồng, chúng tôi ngụy trang bằng rơm, rạ, máy bay trinh sát địch đã không phát hiện được. Chúng tôi háo hức chờ lệnh chiến đấu. Đó là lúc 17 giờ ngày 24-1-1954-nghĩa là chiến đấu đến nơi rồi.

Pháo vào trận địa được một ngày một đêm, mọi phần tử xạ kích đã sẵn sàng trên pháo… Bỗng, lệnh trên hoãn tấn công! Kéo pháo ra.

Như sét đánh ngang tai, ai nấy chưng hửng sửng sốt… nhiều anh em thắc mắc, bàn tán, hỏi han: Sao lại kéo pháo ra? Có đánh nữa không? Bao nhiêu công sức…

Nhưng lệnh, là lệnh! Mọi người phải tuân theo. Được trên giải thích ý định, chi bộ đảng họp bàn và ra Nghị quyết… và điều đó đã biến ngay thành quyết tâm của mọi người. Ai nấy bắt tay vào chuẩn bị chấp hành mệnh lệnh “Kéo pháo ra”, dây kéo, chèn, tời…

Khi kéo pháo ra, tôi và đồng chí sức khỏe hơn trong khẩu đội, được giao lái pháo. Khẩu pháo của chúng tôi đang di chuyển trên đoạn dốc khoảng 100m ở chỗ đường lượn vòng, bên vách núi dựng đứng… thì bất chợt có tiếng thét lớn từ phía trên “Dây tời tuột. Dây tời tuột rồi!”… Và càng pháo trên tay tôi lập tức dần lôi tôi đi theo nó nhanh hơn. Phía trên, nhiều người xúm vào giữ nhưng vẫn bị pháo lôi đi. Mọi người như đã bất lực không biết làm gì và đã nghĩ tới một tai họa sắp xảy ra.

Trong khi, nơi khẩu pháo, tôi một mình chới với với chiếc càng pháo nặng nề, như bất lực. Các đồng chí chèn pháo lần lượt bị văng ra. Đồng chí Loan, Chính trị viên Tiểu đoàn cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ chạy theo, rối rít hò hét lạc cả giọng, cố gợi ý cho tôi cách lái pháo. Tôi biết lúc này mình phải thật tỉnh táo, bình tĩnh ứng phó… Tôi vẫn chạy theo pháo, lựa thời cơ, tôi dồn hết sức bình sinh, bằng cả sức nặng toàn thân, dồn tới đôi tay, lái mạnh càng cho pháo lao về hướng có bờ cao, bên lề đường. Cả khối thép theo bánh xe lăn bị khựng lại trước bức tường taluy bên sườn núi. Tôi chân chân đứng nhìn khẩu pháo. Sao lúc này nó hiền lành thế? Từ phía trên dốc, tiếng reo hò, mọi người chạy lại ôm lấy tôi.

Trong buổi tổng kết rút kinh nghiệm, đồng chí Loan, Chính trị viên Tiểu đoàn đã tặng tôi bài thơ do anh sáng tác, có 2 câu cuối là: Hoan hô thành tích Nguyễn Quang Thuận/Hành động anh hùng đẹp biết bao. Đợt ấy, cấp trên đã thưởng tôi Huân chương Chiến công hạng Hai.

 

NGUYỄN QUANG THUẬN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.