Từ ngày 30-3-1954 đến 30-4-1954, quân ta tấn công đợt hai. Quân địch co cụm lại phòng ngự. Ta đánh nhiều hướng, xây dựng một hệ thống trận địa tiến công bao vây. Chiến hào của ta xuyên qua hàng rào dây thép gai, vào sát lô cốt địch. Mũi của chúng tôi đánh chiếm các ngọn đồi phía Đông, những vị trí trọng yếu như: Đồi A1, C1, E, D và siết chặt vòng vây quanh sân bay Mường Thanh. Chúng tôi đào hào giao thông chia cắt sân bay, tỏa ra nhiều nhánh, có hầm ếch để khi có phi pháo anh em ta nép vào, đỡ thương vong. Hào sâu quá đầu, từng đoạn ở trên lát gỗ, lấp đất dày như hầm trú ẩn, có chỗ sơ cứu thương binh, nơi tạm nghỉ. Những lúc đào hào giữa bãi trống, trước hỏa lực mạnh của địch, bộ đội ta dùng những con cúi rơm đẩy lên phía trước, người nằm sau, dùng xẻng cán ngắn khoét lõm xuống dần, người này hy sinh, người khác lên tiếp, các mũi khoan chiến hào cứ thế mà tiến. Toàn bộ chiều dài của chiến hào đào trong 56 ngày đêm, toàn chiến trường cộng lại là hơn 100km. Khó mà tưởng tượng nổi.

leftcenterrightdel

Các đơn vị xung kích của bộ đội ta tấn công, tiêu diệt địch trên đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất của toàn bộ khu phòng ngự phía Đông của địch, tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm. Ảnh tư liệu: TTXVN

Khí hậu Điện Biên lạ lắm! Đêm thì rất rét mà ban ngày nóng đến 37-38 độ C. Công việc lại rất khẩn trương, đêm ta đào, ngày chúng nó lấp. Hai bên giành giật nhau từng thước hào. Bùn đất nhão nhoét, gian khổ, hy sinh không sao kể hết. Ấy thế mà bộ đội ta ai cũng hăng hái, thay nhau đào, thay nhau chiến đấu...

Vào giữa tháng 4, chúng tôi đang làm nhiệm vụ chia cắt sân bay thì nhận được mỗi người một gói quà nhỏ từ hậu phương gửi ra. Trong gói tôi được nhận đó, có một chiếc khăn tay bằng vải phin trắng, hình vuông, cỡ 30x30cm, xung quanh viền chỉ đỏ, phía trong có dòng chữ thêu chỉ màu khá đẹp: “Thân tặng chiến sĩ đang chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ”. Phía dưới là nét chữ thanh thanh “Phụ nữ Ngô Xá-Thanh Hóa”. Kèm theo chiếc khăn còn có một gói tăm tre chẻ đều, vót trơn, một cái quạt xếp bằng giấy dó và một lá thư chữ con gái. Nội dung thư động viên chúng tôi chiến đấu, báo tin quê nhà đang tiến hành cải cách ruộng đất thắng lợi, dân nghèo đã có ruộng… Chúc mừng thắng lợi và mong chờ chiến công…

Món quà nhỏ đến tay chúng tôi giữa hai trận giao tranh ác liệt, tạo nên sức mạnh to lớn. Anh em phấn khởi vô cùng, cười nói râm ran. Một chiến sĩ khe khẽ hát bài “Quê hương anh bộ đội”: “Nơi ấy có con đường tắm nắng vàng tươi, bờ tre nhà tranh vách mới. Nơi ấy có cánh đồng lúa mới ngát hương… Nhà anh có đàn em mắt ngây thơ má hồng, những chiều cùng hát vui trên đường quê…”. Lời ca gợi cảm, lòng ai cũng rạo rực, nung nấu thêm quyết tâm diệt giặc, băng qua mưa bom bão đạn, đập nát đồn thù. Tôi mân mê chiếc khăn, gấp nhỏ lại rồi bỏ vào túi áo, đậy nắp cài cúc cẩn thận, coi đây là một kỷ vật quý.

Vào khoảng hạ tuần tháng 4, chiến hào của ta đã siết chặt khu trung tâm, dồn chúng vào thế tuyệt vọng. Ở phía sau, chúng tôi nghe tiếng pháo, tiếng lựu đạn chát chúa. Một trận đánh ác liệt đang diễn ra cách chúng tôi không xa lắm. Bỗng thấy tải thương chuyển ra một cái cáng chở một thương binh nặng… Đây là chiến sĩ xạ thủ trọng liên Mắc-xim, hỏa lực mạnh nhất của quân ta. Thấy vết thương ở ngực anh máu tiếp tục chảy, tôi vội lấy cái khăn ở túi ngực ra định ấp vào vết thương của anh. Trước khi gấp chiếc khăn lại, tôi nhìn lần cuối dòng địa chỉ của người tặng khăn, hy vọng biết đâu, sau này có dịp gặp… Thấy vậy, anh thương binh như chợt hiểu tâm tư của tôi, gồng mình lên. Anh nhờ tôi cởi chiếc thắt lưng da to bản và nói: “Súng mình hay bị hóc, phải luôn nhỏ dầu cấp cứu, mà các thứ phụ tùng của nó còn trong cái bao này. Nhờ đồng chí mang gấp ra cho xạ thủ thay tôi đang chiến đấu ở phía trước, cần lắm đấy! Nhanh lên…!”.

Người quân vụ ở cạnh tôi hiểu ý, đón ngay lấy cái thắt lưng và chạy vụt đi. Đồng chí thương binh giơ tay ra hiệu bảo tôi đưa cái khăn cho anh xem. Anh nở một nụ cười nhăn nhó và nói: “Của người yêu hả? Giữ lấy, gắng mà giữ lấy… Nó không giúp được gì cho vết thương của mình đâu…”. Anh nâng khăn lên đặt một cái hôn nhè nhẹ rồi trả lại cho tôi. Tôi lúng túng chưa biết nên xử lý thế nào thì anh đã co rúm người, giật mạnh, nấc liên tiếp, mắt từ từ nhắm mà miệng vẫn như cười. Đồng chí thương binh đã trút hơi thở cuối cùng. Là lính chiến, tôi nhiều lần chứng kiến đồng đội hy sinh, nhưng lần này tôi xúc động đến lạnh gáy, vừa kính phục, vừa cảm thương người xạ thủ trọng liên Mắc-xim.

Giặc tan rồi, chiếc khăn ở chiến trường thành vật kỷ niệm quý giá đối với tôi. Tôi thường mang nó ra ngắm. Chao ôi! Những đường thêu chưa thành thạo mà cẩn thận vô cùng. Tôi cứ tưởng tượng ra cảnh các em gái mới lớn, lần từng mũi kim dưới ánh đèn dầu. Thời ấy, chỉ màu là loại hiếm hoi, là sợi dây nối trái tim với trái tim… Tự nhiên trong tôi dấy lên tình cảm của thuở Thiếu sinh quân, thứ tình cảm lãng mạn vừa quen, vừa lạ.

Thế nhưng làm sao mà tìm ra được người đã thêu khăn. Đánh Pháp xong lại tiếp tục đánh Mỹ. Ở Điện Biên “ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt… đầu nung lửa sắt… máu trộn bùn non” (Tố Hữu). Đánh Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, còn gian khổ hơn. Từ lính quân báo, tôi sang Binh chủng Pháo binh, đi khắp các chiến trường Bắc, Nam và sang cả nước bạn… Lúc nào cũng khẩn trương, hừng hực như trong lò luyện thép, chết sống chỉ gang tấc, nhiều khi tôi mất hết mọi tư trang, ấy thế mà chiếc khăn tay của người con gái hậu phương ấy vẫn theo tôi suốt cuộc kháng chiến trường kỳ.

Nó đã góp phần giục tôi xốc tới trước hỏa lực của quân giặc, giúp tôi đưa những “con voi thần” vượt qua mưa ngàn suối lũ, trút bão táp xuống đầu quân thù. Và mãi đến khi tôi được điều về làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh, chiếc khăn vẫn phát huy tác dụng trong việc giáo dục tư tưởng, xây dựng tình nghĩa quân dân, truyền thống vẻ vang của người lính Cụ Hồ. 

HUYỀN TRẦN (Lược trích theo cuốn sách “Âm vang Điện Biên”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.