RT cho biết vụ thử Trinity là kết quả của Dự án Manhattan-một chương trình nghiên cứu của Chính phủ Mỹ nhằm phát triển vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Dự án này có sự tham gia của hơn 130.000 người và ngốn gần 2 tỷ USD ngân sách lúc bấy giờ, theo Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO).
Quả bom nguyên tử được kích hoạt trong vụ thử Trinity mang tên The Gadget. Địa điểm được chọn để tiến hành vụ thử là tại sa mạc thuộc bang New Mexico của Mỹ. Theo Business Insider, người ta đã xây một tòa tháp với chiều cao 30m và 3 đài quan sát an toàn cho các nhà nghiên cứu để phục vụ cho vụ thử nghiệm. The Gadget được đưa lên tháp vì việc kích nổ trên cao như vậy được cho là sẽ tăng tối đa năng lượng tác động trực tiếp lên mục tiêu và giảm bớt bụi phóng xạ.
 |
Quả bom The Gadget trong vụ thử Trinity. Ảnh: Business Insider. |
Ngày 16-7-1945, vụ thử Trinity được thực hiện. Tạp chí National Interest cho biết, không phải tất cả vụ thử hạt nhân đều có uy lực như nhau. Một số vụ thử tạo ra các vụ nổ có sức công phá tương đương hàng chục hoặc hàng trăm tấn thuốc nổ TNT, trong khi có những vụ lại lên đến hàng chục megaton (1 megaton tương đương 1 triệu tấn TNT). Vụ thử Trinity tạo ra vụ nổ có sức công phá 20 kiloton (tương đương 20.000 tấn TNT). Theo trang web của Bộ Năng lượng Mỹ, gần như dự đoán, chớp sáng lóa xuất hiện rồi một tiếng nổ long trời vang lên, khiến các nhân chứng tưởng rằng họ đang chứng kiến một trận động đất dữ dội. Vụ thử tạo nên một đám mây hình nấm khổng lồ với chiều cao lên tới 12.000m. Sóng xung kích có thể đo được ở cách vụ thử 160km. Thậm chí ở cách xa vụ thử gần 300km, cửa kính nhà vẫn bị vỡ, hoặc nghe thấy âm thanh dội lại. Sau đó, để đánh lạc hướng dư luận, những người đứng đầu Dự án Manhattan đã loan tin đây là một vụ nổ kho đạn.
Theo tờ Business Insider, trong cuộc trả lời phỏng vấn sau đó, nhà vật lý người Mỹ Robert Oppenheimer, một thành viên chủ chốt của Dự án Manhattan, khẳng định vụ thử Trinity diễn ra thành công. Ông kể rằng tại thời điểm vụ thử diễn ra, ông đã chợt liên tưởng đến lời trích trong bản kinh Bhagavad Gita của đạo Hindu: “Giờ đây ta đã trở thành Tử thần, kẻ hủy diệt của thế giới”.
Ngày 17-7-1945, giữa cuộc họp của lãnh đạo phe Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai tại Potsdam, Đức, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Harry Truman nhận được tờ giấy có dòng chữ: “Đứa bé đã chào đời”-ám chỉ vụ thử Trinity của họ đã thành công. Theo Ria Novosti, ông Truman sau đó đã nói với lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin rằng Mỹ đang sở hữu một loại vũ khí mới “có sức hủy diệt bất thường”. Chưa đầy một tháng sau đó, Mỹ đã thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Theo National Interest, tính từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Mỹ vào năm 1945 đến vụ thử gần đây nhất của Triều Tiên vào tháng 11-2017, thế giới đã chứng kiến ít nhất 2.056 vụ thử hạt nhân. Gần 85% trong số các vụ thử hạt nhân đó là do Mỹ và Liên Xô thực hiện. Mỹ là quốc gia đầu tiên và cũng là quốc gia thực hiện nhiều nhất các vụ thử hạt nhân trong lịch sử. Từ năm 1945 đến 1992, Mỹ đã tiến hành 1.030 vụ thử hạt nhân, chiếm một nửa số vụ của thế giới. Liên Xô đã thực hiện tổng cộng 715 vụ thử hạt nhân và tất cả 5 vụ thử hạt nhân lớn nhất trong lịch sử đều do Liên Xô thực hiện. Trong khi đó, ba cường quốc hạt nhân khác được thế giới công nhận là Anh, Pháp và Trung Quốc cũng thực hiện một số lượng vụ thử đáng kể. Từ năm 1952 đến 1991, Anh đã tiến hành 45 vụ thử hạt nhân. Từ năm 1960 đến 1996, Pháp đã thực hiện 210 vụ thử hạt nhân. Với Trung Quốc, từ năm 1964 đến 1996 đã tiến hành 45 vụ thử hạt nhân.
HOÀNG VŨ