Bất chấp sức ép từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào tháng 7 tới hoặc có thể sớm hơn.
Ngày 10-4, TASS đưa tin, trả lời báo giới sau chuyến thăm Moscow, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, thỏa thuận Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế. Liệu rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thay đổi quyết định hay không là câu hỏi mà giới chức nước này thường xuyên nhận được trong thời gian qua. “Chúng tôi đều trả lời rằng đây là một việc đã hoàn tất. Mọi thứ đã sẵn sàng. Việc bàn giao sẽ diễn ra vào tháng 7 hoặc có thể sớm hơn”, TASS dẫn lời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
 |
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik. |
Thương vụ S-400 chính là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ gặp sóng gió trong những ngày gần đây. Washington liên tục gia tăng sức ép buộc Ankara phải từ bỏ thương vụ. Ngày 1-4 vừa qua, Lầu Năm Góc thông báo dừng chương trình hợp tác và cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara kiên quyết bảo vệ thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Mới đây nhất, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence còn đưa ra “tối hậu thư”, buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn hoặc là ở lại NATO hoặc là tiếp tục thương vụ S-400. “Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn. Liệu họ muốn vẫn là một đối tác quan trọng trong một liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử hay muốn gây nguy hiểm với an ninh của tổ chức này bằng cách đưa ra những quyết định thiếu thận trọng làm xói mòn NATO”, Tân Hoa xã dẫn lời Phó tổng thống Mỹ Mike Pence.
 |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ngày 8-4. Ảnh: AP. |
Trái ngược với quan điểm của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây lại cho rằng mỗi thành viên NATO có quyền quyết định việc họ sẽ mua loại vũ khí nào.
Ngày 10-4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Ankara có thể ký thêm một thỏa thuận nữa để mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga nếu Mỹ từ chối cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. “Nếu Mỹ không muốn bán Patriot cho chúng tôi, chúng tôi có thể mua thêm S-400 và các hệ thống phòng không khác”, TASS dẫn lời Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp tên lửa S-400 được xem là bước đi chưa từng có tiền lệ, bởi đây là lần đầu tiên một thành viên NATO mua hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga. Cũng cần lưu ý rằng lâu nay vẫn luôn tồn tại một sự thật rõ như ban ngày là Mỹ-“anh cả” của NATO, gần như chi phối toàn bộ hoạt động mua bán vũ khí trong khối. Bất kỳ hợp đồng mua bán vũ khí lớn nào đều phải nhận được cái “gật đầu” của Washington. Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua bán các hệ thống S-400 với Nga bất chấp sự phản đối của Mỹ chẳng khác nào “vuốt mặt không nể mũi”!. Giới phân tích cho rằng “tối hậu thư” mà Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đưa ra suy cho cùng chỉ mang tính chất đe dọa là chính. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên chủ chốt trong NATO và có vai trò hết sức quan trọng với Mỹ tại Trung Đông. Washington khó có thể triển khai được chính sách của mình tại khu vực nếu không có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ-nơi đặt căn cứ Không quân Incirlik có chứa các loại vũ khí hạt nhân do Mỹ kiểm soát và là một căn cứ quân sự quan trọng của liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu tại Trung Đông. Ngược lại, Ankara cũng cần Mỹ để giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước và duy trì được thế cân bằng chiến lược tại Trung Đông. Chuyên gia Hasan Koni thuộc Đại học Văn hóa Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đánh giá phát biểu của ông Mike Pence “không hơn một lời nói khoác”. Trong khi đó, chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế Ilhan Uzgel cho rằng, việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO là một phản ứng thái quá và sẽ gây tổn hại cho chính Mỹ. “Thổ Nhĩ Kỳ có thể xích lại gần Nga, Iran và Trung Quốc hơn”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Ilhan Uzgel nhận xét.
HOÀNG VŨ