Đây là dòng vũ khí lục quân tiên tiến, trang bị nhiều công nghệ chưa từng có tiền lệ trên các dòng MBT trên thế giới nhưng lại được mang tới quốc gia đang có nội chiến Syria liệu có quá mạo hiểm và tại sao thông tin về dòng vũ khí này lại được Bộ trưởng Bộ Công thương Nga công bố, mà không phải là lãnh đạo Bộ Quốc phòng…
Khắc phục bệnh “trẻ con” của vũ khí hiện đại
Một điều đáng chú ý là đối với mọi phương tiện, khí tài quân sự trước khi được chuyển giao cho quân đội, bản quyền về chúng sẽ thuộc về đơn vị chủ quản. Ở Nga, Tập đoàn quốc doanh Roctex nắm quyền sở hữu bản quyền công nghệ và hình ảnh của phần lớn các trang bị quân sự trước khi chúng được bàn giao cho quân đội, trong đó có xe tăng T-14 Armata. Roctex lại nằm dưới quyền quản lý của Bộ Công thương Nga. Chính vì thế, không quá khó hiểu khi những thông tin liên quan tới hoạt động thử nghiệm của dòng xe tăng T-14 lại được Bộ trưởng Bộ Công thương Nga, Denis Manturov công khai với giới truyền thông.
 |
Vũ khí càng hiện đại, thì càng tồn tại nhiều vấn đề kỹ thuật cần các thử nghiệm thực chiến để phát hiện và khắc phục. |
Đến với câu hỏi tại sao T-14 lại được đưa tới chiến trường Syria, thì câu trả lời đơn giản là để phát hiện và khắc phục các vấn đề phát sinh trong thực chiến, thường được giới chuyên gia gọi là bệnh “trẻ con” của vũ khí hiện đại. Chỉ có thực chiến mới giúp vũ khí thể hiện được hết khả năng theo thiết kế và từ đó bộc lộ các vấn đề kỹ thuật vốn không thể phát hiện trong các bài thử nghiệm.
Nếu xét các yếu tố này, chiến trường Syria hoàn toàn phù hợp để cho nguyên mẫu xe tăng T-14 thử lửa. Đây là quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh với môi trường khắc nghiệt của sa mạc chính là điều kiện rất thuận lợi để thử nghiệm xe tăng T-14.
Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, không chỉ liên quan tới vấn đề chiến sự, tại Syria có nhiều kiểu mẫu khí hậu và địa hình rất khác biệt để thử nghiệm T-15. Ở khu vực phía Tây Syria, tại các tỉnh Latakia và Idlib có kiểu khí hậu độ ẩm và độ mặn cao do ảnh hưởng của Địa Trung Hải, trong khi đó, tại khu vực phía Nam và Đông quốc gia Cận Đông này lại là kiểu khí hậu sa mạc khô nóng, độ ẩm thấp và sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm. Những yếu tố này tạo ra điều kiện rất thuận lợi để thử nghiệm khả năng phù hợp và thích nghi của thiết kế xe tăng T-14 trong các điều kiện thời tiết và địa hình.
Tại Syria, xe tăng T-14 chắc chắn cũng tham gia các hoạt động chiến đấu, nhưng theo cách đặc biệt nhờ công nghệ hiện đại được trang bị. Không giống như các loại xe tăng truyền thống được thiết kế như quả đấm thép xuyên thủng phòng tuyến của đối phương, thì T-14 được sử dụng như phương tiện cung cấp hỏa lực hỗ trợ tầm xa trong tác chiến bất đối xứng.
Hệ thống cảm biến, ngắm bắn và điều khiển hỏa lực hiện đại kết hợp với pháo chính 2A82 125mm cung cấp khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 4,7km hoặc hơn 8km với tên lửa bắn qua nòng pháo chính. Như vậy, đối phương thậm chí sẽ không nhận ra sự hiện diện của xe tăng T-14 khi nó bất ngờ tập kích hỏa lực ở một vị trí cách đó nhiều ki-lô-mét. Với vai trò là vũ khí thử nghiệm, xe tăng T-14 sẽ không phải khai hỏa quá nhiều. Một vài phát bắn cũng đủ để thu thập các thông số cần thiết.
Việc triển khai loại vũ khí mang những công nghệ tiên tiến như T-14 tới chiến trường như Syria được các chuyên gia quân sự đánh giá là mang nhiều yếu tố rủi ro. Tuy nhiên, với lực lượng quân sự Nga quy mô đang có mặt tại Syria, việc thử nghiệm vũ khí mới tại đây đã có tiền lệ, nên việc đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin được áp dụng chặt chẽ. Trong vụ thử nghiệm xe tăng T-14, chỉ khi phương tiện đã hoàn thành thử nghiệm và trở về Nga, thông tin về nó mới được công khai với báo giới.
Mũi tên trúng nhiều đích
Một trong những mục đích tiến hành thử nghiệm xe tăng T-14 tại chiến trường Syria chính là để thuyết phục giới chức quân sự Nga về tính hiệu quả của dòng vũ khí thế hệ mới này. Gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đang cân nhắc lại chương trình mua sắm xe tăng thế hệ mới T-14 Armata. Dòng xe tăng thế hệ mới này có giá thành đắt đỏ hơn đáng kể so với các phiên bản xe tăng truyền thống như T-72B3 hay T-90M. Trong khi đó, là vũ khí thế hệ mới, chưa được thử lửa chiến trường, nên khả năng chiến đấu của T-14 dù được giới thiệu rất ưu việt, nhưng vẫn chưa đủ để thuyết phục giới chức quân sự Nga. Điều này có thể thay đổi sau các bài thử nghiệm chiến đấu thực tế ở Syria, tương tự như nhiều loại vũ khí trước đó.
 |
T-14 Armata đang có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. |
Không chỉ được định hướng trang bị cho quân đội Nga, trong tương lai T-14 còn được hướng tới xuất khẩu ra thị trường vũ khí quốc tế. Bài học thành công của tên lửa hành trình Kalibr, xe tăng T-90, máy bay chiến đấu Su-35S… đã tạo động lực để Nga tiếp tục mang xe tăng T-14 tới Syria. Khu vực Cận Đông trong nhiều thập kỷ qua luôn rất bạo chi cho mua sắm trang bị quân sự, nhất là các phương tiện chiến đấu hiệu quả. Trong vài năm trở lại đây, Nga đang từng bước tiến vào thị trường béo bở này. Các loại vũ khí Nga như xe tăng T-90, trực thăng tấn công Mi-35S, Mi-28N có màn thể hiện tốt tại Iraq và truyền thống này có thể được tiếp nối với các loại vũ khí hiện đại như: S-35, T-14 và các dòng phương tiện chiến đấu thế hệ mới.
Những thử nghiệm thực hiện tại Syria sẽ giúp Nga có kinh nghiệm quý giá để hoàn thiện xe tăng T-14, nhất là môi trường tác chiến sa mạc. Sẽ không khó hiểu khi trong tương lai một biến thể xuất khẩu của xe tăng T-14 Armata được giới thiệu tới Cận Đông với tính năng được tối ưu cho khu vực này.
TUẤN SƠN