Hoàn thiện từ chương trình phát triển máy bay tiêm kích tiền tuyến tương lai – PAK FA do Tập đoàn Sukhoi thực hiện, các máy bay Su-57 được coi là niềm tự hào của Không quân Nga và là đối trọng với các dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4++ và 5 của Mỹ và phương Tây. Cùng với phiên bản nội địa trang bị cho Quân đội Nga, Sukhoi đã sớm cho ra mắt biến thể xuất khẩu Su-57E hướng tới thị trường vũ khí quốc tế.

Máy bay Su-57E với các tính năng nổi bật là khả năng cơ động, radar hàng không mạnh mẽ và tích hợp nhiều loại vũ khí, khí tài quân sự hiện đại đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Hơn thế nữa, với chính sách xuất khẩu vũ khí không phụ thuộc vào chính trị của Nga và giá thành rẻ hơn nhiều so với dòng máy bay thế hệ tương đương là F-35 Lightning II của Mỹ, Su-57E hứa hẹn sẽ trở thành “con át chủ bài” của xuất khẩu vũ khí Nga trong tương lai.

Cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử có mặt tại MAKS-2019 xin gửi tới bạn đọc một số hình ảnh độc đáo của máy bay chiến đấu Su-57E:

Nguyên mẫu máy bay Su-57E có một gian trưng bày nổi bật tại MAKS-2019.
Su-57E có nhiều nét khác biệt so với các dòng máy bay chiến đấu trước đó của Nga với thiết kế khí động cánh liền thân, "hệ thống đinh tán" được giấu kín dưới lớp sơn phủ đặc biệt giúp tăng khả năng tàng hình của máy bay.
Tuy nhiên, Su-57E vẫn giữ một số đặc điểm của "gia đình" Sukhoi là khoang chứa radar hàng không lớn và hệ thống quan sát quang-điện tử ở sát cabin lái.
Thiết kế khí động dạng cánh liền thân giúp Su-57E có lực nâng rất tốt kể cả bay ở tốc độ thấp. Thiết kế này giúp máy bay có khoang vũ khí lớn giấu trong thân, gốc cánh.
Để tăng khả năng tàng hình, cửa tiễn khí trên Su-57E được uốn cong để che đi măt trước của động cơ phản lực, vốn là nơi bộc lộ tín hiệu hồng ngoại rất mạnh.
Cánh lái đuôi được đặt nghiêng không chỉ giảm phản xạ tín hiệu radar, mà còn tăng khả năng cơ động của máy bay ở dải vận tốc cận âm.
Dù chưa được trang bị động cơ mới 'Sản phẩm 30", nhưng động cơ AL-41F với thiết bị lái vector lực đẩy cũng tạo cho Su-57E khả năng cơ động đáng kinh ngạc trên không trung.

Giống như các dòng máy bay chiến đấu của Nga, Su-57E có các cửa hút khí phụ, giúp động cơ hoạt động được kể cả khi cửa tiễn khí chính đã đóng.

Cabin lái kính hóa và đặt cao hơn trên thân máy bay giúp phi công có tầm nhìn tốt trên không.

Trang bị trong cabin lái của Su-57E có thể coi là cuộc cách mạng với hệ thống màn hình hiển thị số hóa toàn bộ. Công nghệ ePilot giúp phi công tập trung vào khả năng chiến đấu. Ngoài ra, cần lái trên máy bay được chuyển sang phía tay phải thay vì đặt giữa như truyền thống máy bay chiến đấu của Liên Xô, Nga.

Tại MAKS-2019, Su-57E không chỉ nhận được sự quan tâm từ người tham quan, mà còn cả nhiều đoàn đại biểu quân sự các quốc gia trên thế giới.

Các nguyên mẫu Su-57E hứa hẹn sẽ là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp quốc phòng Nga trong tương lai gần.

THU HIỀN-TUẤN SƠN (thực hiện)