Quân đội Mỹ từ lâu đã quan tâm đến các phương tiện không người lái, cũng như các hệ thống robot. Một số phát triển đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra và được cấp phép hoạt động trong quân đội. Giờ đây, những công nghệ hiện đại này được ứng dụng trong các hệ thống tên lửa hành trình và tên lửa tác chiến - chiến thuật. Khả năng tác chiến của chúng đã thử nghiệm kiểm chứng.
Lục quân Mỹ gần đây đang xem xét khả năng đưa các công nghệ không người lái vào các tổ hợp tên lửa mặt đất. Theo đó, khái niệm về “Thiết bị phóng đa miền tự hành” (AML - Autonomous Multi-Domain Launcher) cho phép quân đội nước này chế tạo loại bệ phóng tên lửa tự hành không có buồng lái thông thường.
Theo đó, hoạt động điều khiển sẽ được thực hiện bởi trung tâm vận hành từ bảng điều khiển từ xa hoặc hệ thống tự động. Đến nay, ý tưởng về hệ thống AML đã được đưa vào nghiên cứu và có những thử nghiệm đầu tiên.
Giai đoạn đầu của dự án
Quân đội Mỹ đã nghiên cứu các khái niệm khác nhau về phương tiện không người lái trong một thời gian dài, nhằm đánh giá khả năng giải quyết các nhiệm vụ với sự tham gia tối thiểu hoặc không có sự tham gia của con người.
Năm 2019, các công nghệ không người lái được đề xuất sử dụng trong các tổ hợp tên lửa. Một phiên bản sửa đổi không người lái từ Tổ hợp Tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 hoặc việc phát triển mới một cỗ máy tương tự dành cho các loại vũ khí khác nhau đã được nêu ra.
 |
Thử nghiệm hệ thống tên lửa AML dựa trên nguyên mẫu M142. Ảnh: Topwar |
Năm 2020, Trung tâm Hàng không và Tên lửa (AvMC) thuộc Bộ Chỉ huy Phát triển khả năng chiến đấu (Combat Capabilities Development Command) của quân đội Mỹ và Hiệp hội Công nghệ tên lửa và hàng không (AMTC) đã khởi động một dự án AML mới, nhằm phát triển một khái niệm mới, tìm kiếm các công nghệ cần thiết và xác định triển vọng của nó.
Tháng 1-2021, các hợp đồng hợp tác đầu tiên đã được ký kết. Danh sách các tổ chức tham gia vào việc tạo ra AML vẫn chưa được tiết lộ.
Giữa tháng 6-2021, AvMC và AMTC đã công bố những thử nghiệm đầu tiên trong dự án AML. Theo đó, mẫu thử nghiệm của một phương tiện chiến đấu không người lái đã được thiết kế và đưa ra thử nghiệm. Sản phẩm đã vượt qua các bài kiểm tra đầu tiên tại Fort Sill (bang Oklahoma) và hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Trong quá trình thử nghiệm, bệ phóng điều khiển từ xa và công nghệ tự động đã di chuyển theo tuyến đường dự kiến và đến vị trí khai hỏa. Sau đó, 7 tên lửa đã được phóng ở chế độ không người lái đã được thử nghiệm.
Những sự kiện trên đã cho thấy triển vọng của việc chuyển giao, triển khai và sử dụng các hệ thống tên lửa mà không cần kíp điều khiển. Ngoài ra, các khó khăn kỹ thuật và rủi ro liên quan đến công nghệ mới cũng đã được xác định.
Sau các bài kiểm tra, các tài liệu liên quan đã được xuất bản. Một nguyên mẫu dựa trên HIMARS M142 và một trung tâm điều khiển từ xa đã được trưng bày giới thiệu.
Đặc tính của hệ thống vũ khí mới
Mới đây, quân đội Mỹ cũng đăng tải một đoạn video mô phỏng, giới thiệu về bệ phóng tên lửa hàng loạt và các nguyên tắc sử dụng tự động cao. Bằng các hình ảnh động, các phương tiện chiến đấu M142 và AML mới đã tiếp cận vị trí và thực hiện đòn tấn công mô phỏng nhằm vào tổ hợp S-400 và tàu tuần dương tên lửa của đối phương.
Hình ảnh chụp từ cuộc thử nghiệm cho thấy, hệ thống phóng thử nghiệm đã giữ lại hầu hết các thành phần và tổ hợp chính của tổ hợp M142. Đồng thời, trên nóc cabin, có một số thiết bị sử dụng video giám sát bổ sung cho việc lái xe và thiết bị liên lạc ăng-ten. Và rõ ràng, có một số thiết bị truyền động khác nằm bên trong cabin xe, giúp điều khiển từ xa.
 |
Hệ thống tên lửa đa năng AML. Ảnh: US Army |
Trong đoạn video được công bố, có một số điểm khác biệt đáng kể của phương tiện chiến đấu so với HIMARS M142. Theo đó, sự khác biệt bên ngoài và bên trong là do hệ thống AML ban đầu đã được thiết lập có tính đến các yêu cầu kỹ thuật và tính năng chiến đấu mới.
Hệ thống AML được chế tạo dựa trên xe khung gầm 3 trục không có nắp đậy. Thay cho cabin điều khiển tiêu chuẩn, phần buồng lái sẽ chứa tổ máy phát điện và các bộ điều khiển. Đồng thời, phần đầu xe có chiều cao thấp hơn và đạt khối lượng tối thiểu. Ở phần phía sau của khung xe có một khung xoay để lắp đặt các container vận chuyển và bệ phóng tên lửa.
Một bộ máy quay video và nắp đậy được lắp đặt thấp trên nóc của cabin để thu thập thông tin về địa hình đường đi. Một số camera bổ sung cũng được lắp đặt xung quanh các máy chính, nhằm cung cấp tầm nhìn bao quát.
Ăng ten thu có khả năng định vị vệ tinh, và một ăng ten khác dùng để duy trì liên lạc hai chiều với trung tâm điều hành. Các cơ chế điều khiển tổ máy phát điện, vận hành, … được đặt bên trong thân xe.
Trình khởi chạy được thiết lập theo một số cơ chế tự động. Người vận hành có thể theo dõi và điều khiển từ xa chuyển động của hệ thống, chuẩn bị vào vị trí và bắn mục tiêu. Ngoài ra, việc di chuyển độc lập dọc theo tuyến đường sẽ được thực hiện nhờ vào khả năng điều hướng và tầm nhìn kỹ thuật. Tất cả các cơ chế vận hành cơ bản cũng được thực hiện tự động.
AML cần bảo đảm khả năng liên lạc hai chiều tin cậy và an toàn. Theo đó, cần bảo đảm việc truyền thông tin và lệnh điều khiển liên tục, cũng như bảo vệ kênh vô tuyến không bị gây nhiễu, đánh chặn hoặc bị hack. Các phương pháp sử dụng và tính năng chiến đấu của hệ thống tên lửa không người lái này đặt ra những yêu cầu đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và an toàn.
Hệ thống phóng AML được trang bị 4 tên lửa PrSM Increment 4 - một phiên bản chống tên lửa thuộc dòng vũ khí đất đối đất đang được Mỹ phát triển. Trong mỗi tổ hợp thùng chứa sẽ bố trí 2 tên lửa. Mỗi đơn vị AML có khả năng mang 2 thùng chứa như vậy.
Trung tâm điều khiển bệ phóng có một bộ màn hình để xuất tín hiệu video và các thông tin khác. Đồng thời, trung tâm cũng tích hợp cả bộ phận điều khiển, phương tiện xử lý dữ liệu và hệ thống thông tin liên lạc. Một mẫu thử nghiệm với các thành phần tương tự dành cho trung tâm điều khiển nêu trên đã được sử dụng trong các thí nghiệm gần đây.
Kỳ vọng lớn
Theo các chuyên gia, quá trình thử nghiệm dự án đã cho thấy các điều kiện cơ bản đảm bảo cho việc xây dựng, triển khai và sử dụng bệ phóng tên lửa không người lái. Từ đó có thể chuyển dự án AML sang giai đoạn tiếp theo, trong đó sẽ lắp đặt hệ thống nguyên mẫu chính thức và thiết lập nguồn tài chính liên quan.
Chương trình AML được kỳ vọng sẽ trở thành một hệ thống tên lửa đa năng có khả năng sử dụng nhiều loại đạn, từ tên lửa không điều khiển đến các tên lửa có tầm bắn hơn 500km trở lên.
 |
Hình ảnh mô phỏng chung về hệ thống AML. Ảnh: US Army |
Đây sẽ là sự bổ sung quan trọng cho hệ thống HIMARS M142, cũng như các hệ thống tương tự trong tương lai. AML sẽ trở thành một công cụ linh hoạt, được trang bị những khả năng tác chiến đặc biệt.
Các tổ hợp không người lái này sẽ nằm trong kế hoạch của các phương tiện phản ứng nhanh. Chúng có thể được chuyển đến khu vực mong muốn trong thời gian ngắn nhất có thể bằng máy bay vận tải quân sự.
Hệ thống tên lửa không người lái này thoát ra vị trí sau khi bắn mục tiêu sẽ được thực hiện theo lệnh của người điều khiển hoặc ở chế độ tự động. Theo đó, ngay sau khi thực hiện đòn tấn công, hệ thống AML sẽ có thể quay trở lại căn cứ.
Hệ thống AML có thể bố trí trong các thùng chứa, với các loại tên lửa khác nhau. Theo đó, một bệ phóng đa năng sẽ được phát triển cho dự án. Ngoài ra, việc không có buồng lái thông thường, giúp tăng kích thước của thùng chứa. Nhờ vậy, về khía cạnh đạn dược, hệ thống AML vượt trội hơn hẳn tổ hợp M142.
Có thể các công nghệ mới trên sẽ được ứng dụng không chỉ trong việc phát triển hệ thống tên lửa như AML. Chúng cũng có thể được sử dụng để nâng cấp các hệ thống M142 hiện có. Một bộ công cụ bổ sung để giải quyết vấn đề này đã được tạo ra, thậm chí đã vượt qua các bài kiểm tra sơ bộ. Với sự phát triển thành công của dự án như vậy, phiên bản không người lái của HIMARS M142 cũng sẽ bổ sung hiệu quả cho lực lượng tên lửa AML trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng, tính cơ động chiến lược và chiến thuật cao sẽ có lợi trong các cuộc xung đột giả định ở khu vực Thái Bình Dương. Quân đội Mỹ có thể nhanh chóng triển khai lại các hệ thống tên lửa của mình, từ đó phản ứng kịp thời với những thay đổi tình hình và sự xuất hiện của các mối đe dọa mới.
Việc không có phi hành đoàn trên phương tiện chiến đấu và điều khiển từ xa sẽ mang lại lợi thế rõ ràng. Điều này sẽ loại bỏ những rủi ro đối với nhân sự, mà không làm giảm hiệu quả chiến đấu. Nó cũng sẽ đơn giản hóa việc triển khai thiết bị trong thời gian nhanh nhất.
Tuy nhiên, hệ thống AML vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm sơ bộ. Kết quả thu được là rất khả quan. Hiện quân đội Mỹ có thể bước sang giai đoạn mới của dự án. Tuy vậy, để nhận được các đơn đặt hàng từ các nguyên mẫu như vậy, sẽ còn mất thêm nhiều thời gian.
MINH TUẤN (Theo Topwar)