Theo Wired, tạp chí hàng đầu về công nghệ của Mỹ, EC quyết định tăng cường đầu tư vào vũ khí và công nghệ quân sự với tổng số tiền lên tới 7,3 tỷ euro trong giai đoạn 2021-2027. Khoản tiền này tăng vọt so với tổng số tiền đầu tư 590 triệu euro trong giai đoạn trước đó (2017-2020). Chỉ riêng trong năm nay, Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF) đã phân bổ 1,1 tỷ euro để tài trợ cho 34 dự án nghiên cứu quân sự. Những dự án này bao gồm phát triển UAV mới, từ các cảm biến tăng cường khả năng của ra-đa đến những hệ thống chống tên lửa siêu thanh và các công nghệ phân tích hình ảnh vệ tinh. Quá trình đấu thầu đã bắt đầu vào cuối tháng 6 vừa qua và sẽ kéo dài đến ngày 5-11 tới, cho phép nhiều tổ chức và doanh nghiệp có cơ hội chia sẻ nguồn tài trợ và thực hiện các dự án trong vòng một năm tới.
Phần lớn khoản đầu tư được sử dụng để tăng cường các kênh thông tin liên lạc và trao đổi dữ liệu quân sự. Ví dụ, để ngăn chặn việc chiếm quyền điều khiển UAV, EDF đã phân bổ 25 triệu euro cho mạng 5G dành cho lĩnh vực quân sự. Một số tiền tương tự cũng được phân bổ cho việc phát triển các vệ tinh liên lạc và 24 triệu euro để phát triển phương tiện không người lái dưới nước (UUV). Một khoản tài trợ trị giá 45 triệu euro dành cho việc phát triển phần mềm có công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp các phương tiện tự động và các trung tâm hoạt động do con người điều hành có thể tương tác hiệu quả hơn.
Theo Giáo sư Anthony King tại Đại học Exeter (Anh), trong hai thập kỷ qua, quân đội đã sử dụng AI để phân tích dữ liệu lớn và theo dõi dấu vết mà đối thủ để lại trên không gian mạng, qua đó tăng cường hiểu biết về tình hình chiến trường. “Vì có quá nhiều dữ liệu kỹ thuật số trong không gian mạng nên lực lượng vũ trang đã tận dụng tiềm năng của AI, thuật toán và máy học để không bỏ sót các thông tin quan trọng”, ông King nhận định.
Châu Âu cũng đang săn lùng các loại vũ khí mới. EDF đã cung cấp 25 triệu euro dành cho việc chế tạo xe tăng thế hệ mới, 30 triệu euro cho việc tạo ra vũ khí thông minh, có độ chính xác cao và 20 triệu euro cho các giải pháp điều hướng UAV trong môi trường không ổn định. 50 triệu euro cũng được phân bổ để tạo ra UAV mới, có khả năng tự động nhắm vào các mục tiêu khác nhau.
Ngành công nghiệp quốc phòng đang có sự tăng trưởng đặc biệt ở châu Âu. Điều này được thúc đẩy bởi cuộc chạy đua vũ trang sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Một số nước châu Âu là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đẩy mạnh mua sắm thiết bị quân sự tiên tiến để tăng cường an ninh quốc gia, đồng thời đáp ứng yêu cầu của liên minh quân sự về việc các nước thành viên dành ít nhất 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.
Các kênh thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu rất đa dạng. Ngoài EDF, còn có Chương trình đổi mới quốc phòng của EU (EUDIS). Đây là chương trình có ngân sách 2 tỷ euro trong giai đoạn 2021-2027 để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực quốc phòng. Ngoài ra, Quỹ đầu tư châu Âu (EIF) do Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) quản lý cũng tài trợ cho lĩnh vực quốc phòng. Mới đây, EIF đã ký một thỏa thuận với Quỹ Đổi mới của NATO (NIF) để thúc đẩy các công nghệ tiên phong như AI, không gian, robot và công nghệ sinh học.
Với việc mạnh tay đầu tư phát triển các vũ khí hiện đại, châu Âu muốn tăng cường quyền tự chủ chiến lược và năng lực phòng thủ để ứng phó với các thách thức an ninh trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.
LÂM ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.