Cụ thể, Roketsan sẽ phụ trách về đạn tên lửa, trong khi Aselsan sẽ cung cấp hệ thống phóng cùng các trang thiết bị đi kèm.
Chương trình nghiên cứu, phát triển Atmaca được Roketsan tiến hành từ năm 2009. Sau thời gian thử nghiệm thành công từ cuối năm 2017, Ankara đã quyết định đưa dòng tên lửa này vào biên chế trong quân đội.
Trước mắt, tên lửa Atmaca sẽ thay thế tên lửa Harpoon của hãng Boeing, Mỹ trang bị trên các tàu hộ tống lớp Ada và tàu khu trục lớp G thuộc Dự án MILGEM của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến lực lượng này sẽ nhận lô tên lửa Atmaca đầu tiên vào giữa năm sau.
 |
Tên lửa Atmaca trong một lần thử nghiệm. |
Atmaca có cấu hình và tính năng tương đối giống với Exocet của Pháp, C-802 của Trung Quốc và Harpoon. Tên lửa Atmaca có chiều dài 6m, nặng khoảng 800kg, mang đầu đạn 200kg, vận tốc Mach 0,8 (274m/s), tầm bắn tối đa 200km.
Tên lửa Atmaca tích hợp hệ thống định vị vệ tinh GPS và hệ thống dẫn đường quán tính. Ở giai đoạn cuối, tên lửa sẽ kích hoạt hệ thống radar chủ động để tự động tìm kiếm, nhận diện và tấn công mục tiêu dựa trên dữ liệu cài đặt trước đó. Rất có thể, Atmaca còn được trang bị công nghệ tàng hình.
Thời gian qua, song song với việc mua nhiều khí tài hiện đại từ nước ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tự phát triển vũ khi bằng cách huy động tối đa nguồn lực trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí. Ngành công nghiệp quốc phòng nước này đã cho ra đời nhiều dòng tên lửa đang phục vụ trong quân đội như Hisar, Bora, Mizrak, Merlin, Peregrine...
|
Clip một vụ bắn thử tên lửa Atmaca. Nguồn: Roketsan |
Trước đó, Ankara đã công bố bắt đầu Dự án Siper chế tạo hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đầu tiên được sản xuất trong nước bởi liên doanh giữa Roketsan, Aselsan và Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (TUBITAK SAGE). Tổ hợp đầu tiên dự kiến được bàn giao cho quân đội nước này vào cuối năm 2021.
PHẠM HUY (theo Jane’s)