* Israel tuyên bố luôn đủ khả năng đối phó với tên lửa siêu vượt âm của Iran

Theo Thời báo Israel (The Times of Israel), phản ứng trước thông tin Iran chế tạo thành công tên lửa siêu vượt âm Fattah có thể vươn tới Israel trong vòng 400 giây, Bộ trưởng Quốc phòng Irael Yoav Gallant đã bác bỏ tuyên bố của Iran cho rằng không hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể đánh chặn tên lửa siêu vượt âm này.

Ông Yoav Gallant cho biết Israel sẽ luôn có giải pháp để đối phó với bất cứ vũ khí mới nào của Iran. Phát biểu trước các đơn vị quân đội trong chuyến thăm tới Bộ Tư lệnh miền Bắc, ông Yoav Gallant nhấn mạnh: “Tôi đã thấy người ta khoe khoang về thứ vũ khí mà họ đang phát triển. Đối với bất kỳ vũ khí mới phát triển nào như vậy, Israel thậm chí còn có vũ khí tốt hơn để bắn hạ, cho dù đó có là vũ khí tấn công trên đất liền, trên không hay trên biển, dù cho đó có là hệ thống phòng thủ hay tấn công”. 

Bộ trưởng Quốc phòng Israel hiện đang có chuyến công tác, gặp gỡ các sĩ quan quân đội cấp cao chỉ huy cuộc tập trận ở miền Bắc Israel, một phần của cuộc tập trận 2 tuần “Bàn tay vững chắc” hướng tới chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm năng với Iran và các lực lượng khủng bố ở khu vực Trung Đông.

leftcenterrightdel

Tên lửa siêu vượt âm Fattah trên các phương tiện truyền thông nhà nước Iran. Ảnh: Al-monitor 

Trước đó, ngày 6-6, Iran tuyên bố đã phát triển thành công tên lửa siêu vượt âm tầm trung có khả năng tấn công các mục tiêu trong khu vực. Theo Hãng thông tấn Tasnim, tên lửa mới được của Iran đặt tên là Fattah (kẻ chinh phục), được trang bị động cơ nhiên liệu rắn hai tầng và có tầm bắn lên đến 1.400 km và có thể đạt tốc độ Mach 15 (nhanh gấp 15 lần tốc độ âm thanh).

Tehran tuyên bố không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể đánh chặn Fattah khi đã được phóng đi. Tuy nhiên, việc tiêu diệt một hệ thống tên lửa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả khả năng cơ động của hệ thống phóng và điều khiển hỏa lực. Nhiều quốc gia vùng Vịnh hiện đang sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có khả năng tiêu diệt các mục tiêu là tên lửa đạn đạo bay theo quỹ đạo cố định.

* Hải quân Tây Ban Nha sẽ nhận tên lửa chống hạm mới (NSM) đầu tiên vào năm 2027

Defense News đưa tin ngày 7-6 cho biết các quan chức Tây Ban Nha đã xác nhận thông tin nhà sản xuất tên lửa Kongsberg sẽ bắt đầu giao lô tên lửa chống hạm thế hệ thứ năm, trang bị cho các tàu khu trục F-100 và F-110 của Hải quân Tây Ban Nha vào năm 2027, ba năm trước khi Tây Ban Nha thực hiện kế hoạch cho nghỉ hưu hạm đội Tên lửa chống hạm Harpoon.

leftcenterrightdel
Hải quân Tây Ban Nha sẽ thay thế tên lửa chống hạm Harpoon vào năm 2027. Ảnh: Hải quân Mỹ 

Đại úy Alfonso Carrasco Santos thuộc Ban tham mưu hoạch định năng lực hải quân Tây Ban Nha tiết lộ với Defense News trong một email như sau: “Dự kiến Tây Ban Nha sẽ nhận tên lửa NSM đầu tiên vào dịp tàu hộ vệ tên lửa F-110 được đưa vào biên chế Hải quân. Công ty đóng tàu trong nước Navantia dự kiến sẽ bàn giao chiếc F-110 đầu tiên này vào năm 2027”.

Cũng theo Đại úy Carrasco Santos, tên lửa Harpoons sẽ vẫn trong biên chế Hải quân Tây Ban Nha cho đến khi tên lửa NSM được chuyển giao đầy đủ. Giá trị hợp đồng cũng như số lượng tên lửa chính xác còn chưa được tiết lộ nhưng số lượng “sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu chiến lược của Hải quân Tây Ban Nha”.

Tên lửa NSM được thiết kế có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên đất liền ở khoảng cách 185km, vượt xa tầm bắn của Harpoon. NSM sẽ bay sát trên mặt nước để tránh hệ thống phòng thủ, dẫn đường bằng quán tính, hệ thống định vị GPS, điều hướng tham chiếu theo địa hình và hình ảnh hồng ngoại.

* Quân đội Ukraine đặt mục tiêu sở hữu 50 khẩu đội tên lửa Patriot

Theo Đại tá Yurii Ihnat, người phát ngôn Không quân Ukraine, đây là mục tiêu đầy tham vọng nhưng thực tế. Ông tin rằng Ukraine đã đặt ra mục tiêu rất thực tế là có được 50 hệ thống tên lửa đất đối không Patriot để trước tiên là bảo vệ bầu trời khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa từ phía Nga.

leftcenterrightdel
Ukraine đặt mục tiêu đầy tham vọng là sở hữu 50 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: Lục quân Mỹ 

Tờ Ukrainska Pravda dẫn lời Đại tá Yurii Ihnat: "Tất nhiên, đây là một mục tiêu rất tham vọng, nhưng chúng tôi sẽ thực hiện mục tiêu này bằng mọi giá. Cả hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và SAMP-T đều có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo và chúng tôi cũng không thể thực hiện được được hoạt động phòng không của mình nếu không có các hệ thống khác..."

Đây là cơ sở cho lực lượng phòng không Ukraine thay thế các loại vũ khí cũ từ thời Liên Xô. Do đó, con số 50 khẩu đội sẽ không là điều quá ngạc nhiên. Kế hoạch này sẽ rất tốn kém nhưng Ukraine không thực hiện kế hoạch ngay lập tức mà sẽ dần dần củng cố khả năng phòng không của các lực lượng không quân, lực lượng mặt đất...

Hiện Ukraine đang chờ đợi những thông tin có lợi về chiến đấu cơ F-16. Ông Yurii Ihnat nhấn mạnh rằng Ukraine thực sự rất cần F-16 để củng cố hệ thống phòng không, không quân của nước mình.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)