* Radar mới trên Pantsir-S1 của Nga có gì đáng chú ý?
Bulgarian Military đưa tin, trong quá trình luyện tập tại thành phố Tula để chuẩn bị cho Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ (9-5), quân đội Nga “âm thầm” đưa tới đây hệ thống phòng không tầm ngắn cơ động Pantsir-S1 với một loại radar cải tiến mới.
 |
Hình ảnh hệ thống Pantsir-S1 với radar cải tiến mới được nhìn thấy tại thành phố Tula. Ảnh: Evgeniy Damantsev
|
Theo đó, radar nâng cấp dường như là một biến thể mới của radar điều khiển hỏa lực 1RS2-1 hoạt động trên băng tần K/Ka, có thể tự động phát hiện, khóa mục tiêu trên không và dẫn đường cho tối đa 4 tên lửa phòng không cùng lúc. Điều này phù hợp với hiệu suất của các hệ thống radar trước đây xuất hiện trên những biến thể tiên tiến hơn như Pantsir-SM và Pantsir-M, qua đó cho thấy Nga đang phát triển những module radar để nâng cấp cho nền tảng Pantsir-S1 cũ hơn. Thiết kế của radar mới còn bổ sung một module ăng-ten để hỗ trợ các loại tên lửa mới hơn, chẳng hạn như 57E6M và 19Ya6 vốn được tối ưu hóa việc chống lại máy bay không người lái cỡ nhỏ và tên lửa phóng loạt.
Ngoài ra, Bulgarian Military đánh giá rằng, điều khiến radar nâng cấp này đáng chú ý không chỉ là thông số kỹ thuật mà còn là yêu cầu kỹ thuật cần thiết để tích hợp nó. Cụ thể, việc lắp đặt radar mới đòi hỏi phải sửa đổi đáng kể hệ thống điện tử, phần mềm và nguồn điện của Pantsir-S1. Các kỹ sư cần phải bảo đảm khả năng tương thích liền mạch giữa radar mới và các cảm biến, tên lửa và pháo 30mm hiện có của hệ thống.
Các video từ truyền thông Nga công bố cho thấy phiên bản radar mới này có điểm tương đồng với radar được lắp trên Pantsir-M cho lực lượng hải quân. Điều này chỉ ra một triết lý thiết kế thống nhất, trong đó các thành phần được chuẩn hóa trên các biến thể Pantsir khác nhau để tối ưu hóa khâu sản xuất và bảo trì, giúp giảm chi phí và đẩy nhanh quá trình nâng cấp nhằm cho phép các hệ thống cũ có thể áp dụng công nghệ tiên tiến mà không cần nền tảng hoàn toàn mới.
* Thổ Nhĩ Kỳ chốt thời gian bàn giao tiêm kích nội địa KAAN
Theo Defense News, Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ (TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo bàn giao tiêm kích thế hệ thứ năm KAAN do nước này tự phát triển cho quân đội vào cuối năm 2028.
Thông báo này được Tổng giám đốc điều hành TAI Mehmet Demiroglu cung cấp, qua đó đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình phát triển tiêm kích KAAN mà Ankara bắt đầu từ năm 2016 và đã thu hút sự chú ý từ một số quốc gia đang tìm kiếm giải pháp thay thế phi đội của mình.
 |
Một nguyên mẫu tiêm kích thế hệ thứ năm KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Defence Turk |
Hiện phía TAI đã tiến hành 2 chuyến bay thử nghiệm đối với nguyên mẫu KAAN nhằm kiểm tra hiệu suất cơ bản của máy bay, đồng thời lên kế hoạch cho lần thử nghiệm thứ ba dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 hoặc tháng 10 tới đây, với 2 nguyên mẫu bổ sung hiện đang được lắp ráp, trong đó 1 nguyên mẫu dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025 và 1 nguyên mẫu còn lại vào đầu năm 2026.
Ban đầu, TAI dự kiến bàn giao 20 tiêm kích KAAN cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2028. Tuy nhiên, tuyên bố trên cho thấy khả năng việc bàn giao số lượng này sẽ bị trì hoãn. Defense News nhận định, điều đó phản ánh sự phức tạp của việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm từ đầu. Không giống như máy bay cũ, phương tiện hiện đại như KAAN cần được thử nghiệm rộng rãi để bảo đảm độ tin cậy trong các tình huống chiến đấu. Ngoài ra, tham vọng sản xuất động cơ nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ - hiện tại, KAAN dựa vào hai động cơ General Electric F110-GE-129 vốn được sử dụng trên tiêm kích F-16 - càng làm tăng thêm những thách thức.
Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động chương trình phát triển động cơ nội địa, nhưng dự kiến sẽ không thể hoàn thành cho đến đầu những năm 2030, nghĩa là các đợt giao hàng ban đầu sẽ phụ thuộc vào hệ thống động cơ của Mỹ, nhấn mạnh sự phụ thuộc dai dẳng, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy tự cung tự cấp.
* Hy Lạp từ chối chuyển hệ thống Patriot cho Ukraine
Yahoo News dẫn phát biểu của một quan chức Hy Lạp xác nhận với tờ Kathimerini có trụ sở tại Athens nhấn mạnh nước này không có kế hoạch gửi bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot nào cho Ukraine.
Tuyên bố này được đưa ra sau nhiều tuần đồn đoán, giữa lúc nhiều thông tin từ The New York Times và Reuters cho rằng Hy Lạp và Đức đang được xem xét là “những nhà tài trợ tiềm năng” có thể gửi hệ thống Patriot cho Ukraine, nhất là sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận tân trang và chuyển giao 1 hệ thống Patriot trước đây đặt tại Israel.
 |
Các thành phần trong một khẩu đội Patriot của quân đội Hy Lạp. Ảnh: Greek Military |
Đồng thời, điều đó làm nổi bật “sự cân bằng mong manh” mà các quốc gia phương Tây đang phải đối mặt với thực trạng vừa phải ủng hộ quân sự cho Ukraine vừa phải bảo vệ an ninh của chính họ, đặc biệt là đối với Hy Lạp, quốc gia thành viên NATO vốn dựa nhiều vào các hệ thống Patriot để bảo vệ những thành phố và căn cứ quân sự quan trọng.
Quyết định của Hy Lạp trái ngược với những động thái gần đây của nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Romania cam kết cung cấp hệ thống Patriot vào tháng 6-2024, và Đức, quốc gia đã cung cấp 3 hệ thống kể từ năm 2023 cho Kiev.
Sáu khẩu đội Patriot của Hy Lạp, được mua trong giai đoạn 1998-2004, đóng vai trò không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ quốc gia, như một phần của nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Mỗi tổ hợp của Hy Lạp gồm 1 radar, 1 trạm kiểm soát hỏa lực, máy phát điện và tối đa 8 bệ phóng với 4 tên lửa/bệ.
MINH ANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.