* Quân đội Mỹ khởi động phóng vệ tinh ngăn chặn nguy cơ từ tên lửa siêu vượt âm

Ngày 2-4 (giờ Mỹ), 10 phương tiện vũ trụ đầu tiên của Mỹ đã được phóng lên quỹ đạo, thiết lập nền tảng cho mạng lưới hàng trăm vệ tinh quân sự cỡ nhỏ được phát triển nhằm cải thiện khả năng ngăn chặn tên lửa siêu vượt âm và các mối đe dọa khác từ không gian. Cụ thể, tên lửa SpaceX Falcon 9 được phóng đi từ Căn cứ Lực lượng không gian Vandenberg - sân bay vũ trụ quân sự cách thành phố Los Angeles khoảng 225km, bắt đầu sứ mệnh triển khai một mạng lưới thiết bị trên quỹ đạo trị giá nhiều tỷ USD của Cơ quan phát triển không gian.

leftcenterrightdel

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng đi từ Căn cứ Lực lượng không gian Vandenberg, California đưa vệ tinh chống tên lửa siêu vượt âm vào quỹ đạo. Ảnh: SpaceX 

Cơ quan phát triển không gian thuộc Lầu Năm Góc được thành lập năm 2019 với mục tiêu nhanh chóng đưa công nghệ mới vào các chương trình không gian của quân đội. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của cơ quan này là phát triển năng lực đánh chặn tên lửa siêu vượt âm. Hiện nay, tên lửa siêu vượt âm có khả năng qua mặt các vệ tinh theo dõi tên lửa thông thường vốn được phát triển để phát hiện và theo dõi các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Mạng lưới vệ tinh nhỏ của Cơ quan phát triển không gian sẽ bao gồm các vệ tinh trang bị cảm biến hồng ngoại cực nhạy để phát hiện và theo dõi các tên lửa đang trong hành trình bay, kết hợp hệ thống phương tiện không gian (tàu vũ trụ hạng nhỏ) chuyển tiếp dữ liệu theo dõi trực tiếp về mặt đất cho Lục quân, Không quân và Hải quân sử dụng mạng thông tin vô tuyến chiến thuật hiện có. Dựa trên dữ liệu nhận về, lực lượng các quân chủng có thể bắn hạ tên lửa siêu vượt âm của đối phương.

leftcenterrightdel
Hàn Quốc có khả năng sẽ mua 20 chiếc CH-47F Chinook. Ảnh: Military Leak 

* Hàn Quốc thông qua gói mua sắm trực thăng vận tải hạng nạng CH-47F Chinook trị giá 1,15 tỷ USD

Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) đã thông qua dự án mua máy bay trực thăng CH-47F Chinook thay thế số trực thăng vận tải hạng nặng đã già cỗi của Lục quân. Chương trình được tiến hành từ nay cho tới năm 2028. Dù DAPA không tiết lộ số lượng cụ thể, giới chuyên gia nhận định Hàn Quốc dự kiến sẽ ký hợp đồng mua khoảng 20 chiếc CH-47F Chinook để thay thế số trực thăng CH-47D đang sắp tới hạn loại biên, đảm bảo an toàn và tăng cường đáng kể năng lực vận tải quân sự quy mô lớn và ứng phó thảm họa.

CH-47 Chinook là máy bay trực thăng 2 cánh quạt song song do công ty Vertol phát triển và Boeing Vertol sản xuất. Đây là trực thăng vận tải hạng nặng đặt tên theo người Chinook bản địa ở bang Oregon và Washington, Mỹ. Phiên bản mới nhất là CH-47F ra đời ngày 15-6-2006 tại cơ sở của Boeing ở Ridley Park, Pennsylvania, và bay thử lần đầu ngày 23-10-2006, sử dụng động cơ Honeywell 4.868 mã lực và khung nguyên khối lớn hơn để giảm chi phí bảo trì. CH-47F Chinook có vận tốc tối đa 282 km/giờ, trọng tải 9.500 kg, sử dụng hệ thống điện tử hàng không mới CAAS và hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số hiện đại DAFCS của BAE Systems. 

leftcenterrightdel
 Iran chặn máy bay do thám EP-3E của Mỹ. Ảnh: FARS

* Iran chặn máy bay do thám của Mỹ trên vùng biển Oman

Theo thông báo của Hải quân Iran, “Một máy bay do thám EP-3E của Hải quân Mỹ đã áp sát biên giới vùng biển Oman, nhưng với sự cảnh giác cao độ và cảnh báo sớm gửi tới chiếc máy bay, lực lượng Hải quân đã ngăn chặn thành công chiếc EP-3E xâm nhập vùng trời Iran bất hợp pháp”. Sau khi nhận cảnh báo từ Hải quân Iran, chiếc EP-3E đã quay trở lại không phận quốc tế.

Máy bay do thám EP-3E do Lockheed Martin chế tạo, được trang bị 4 động cơ, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống thu thập thông tin tình báo và nghe lén hiện đại. Hiện nay chỉ có Hải quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đang sử dụng máy bay do thám này.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

HỮU DƯƠNG (thực hiện)