* Nga điều hệ thống Pantsir-S1 “hiếm” tới Crimea
Defence Blog đưa tin quân đội Nga đã triển khai một phiên bản cải tiến hiếm hoi của hệ thống tên lửa-pháo phòng không tầm thấp Pantsir-S1 dành cho xuất khẩu tới cầu Kerch nối liền Nga với bán đảo Crimea.
Dẫn nguồn hình ảnh trên mạng xã hội Telegram về vị trí đặt khí tài này tại cơ sở hạ tầng quan trọng trên, Defence Blog cho biết hệ thống Pantsir-S1 đã hiện diện ở đó ít nhất một tháng nay, cho thấy chiến lược dài hạn nhằm bảo vệ tuyến đường huyết mạch này khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng từ phía Ukraine.
|
Hình ảnh về hệ thống Pantsir-S1M trên cầu Kerch. Ảnh: Defence Blog
|
Đây là biến thể xuất khẩu Pantsir-S1M có cabin bọc thép trên khung gầm xe Kamaz-53958 và được sơn màu ngụy trang sa mạc, khác so với lớp sơn hiện hành của Pantsir-S1 trong biên chế quân đội Nga.
Đặc biệt, phiên bản này dường như trước đây từng được giới thiệu trong một cuộc duyệt binh kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và cũng từng được trưng bày tại Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế Army 2021.
Hệ thống Pantsir-S1M được giới thiệu sẽ có khả năng đánh chặn máy bay không người lái, cải tiến này được đưa ra sau kinh nghiệm tham chiến ở Syria. Về khả năng chiến đấu của Pantsir-S1M, tên lửa đánh chặn có tầm xa tăng từ 20km lên 30km trong khi trần bay từ 15km lên 18km so với bản cũ. Tương tự như phiên bản Pantsir-S1, hệ thống mới vẫn được trang bị 2 khẩu pháo bắn nhanh cỡ 30mm. Bên cạnh đó, cách đây ít lâu Nga còn lên kế hoạch tích hợp cả tên lửa chống tăng Hermes vào tổ hợp Pantsir, khiến hệ thống phòng không này trở thành vũ khí đa năng đích thực.
* Mỹ đồng ý bán HIMARS cho Croatia
Army Recognition đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê duyệt thương vụ bán hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 HIMARS và các thiết bị liên quan do nhà thầu Lockheed Martin sản xuất cho Croatia.
Theo đó, Chính phủ Croatia đề nghị mua 8 hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS, 24 đầu đạn thay thế của rocket M30A2, 24 rocket M31A2 cùng nhiều thiết bị, đạn được, phụ tùng khác với tổng giá trị 390 triệu USD. Tuy nhiên, hai bên chưa công bố thời gian giao hàng.
|
Thủy quân lục chiến Mỹ vận hành một hệ thống M142 HIMARS. Ảnh: Newsweek |
Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về hợp đồng này, đồng thời nhấn mạnh thỏa thuận trên góp phần nâng cao năng lực quốc phòng của Croatia và phản ánh sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Washington với các đồng minh châu Âu.
M142 HIMARS là hệ thống pháo phản lực tầm trung, có khả năng phóng tất cả các loại đạn của pháo phản lực đa nòng. Hệ thống đặt trên khung gầm xe bánh lốp, phát triển từ tổ hợp M270 MLRS. Mỗi hệ thống pháo biên chế kíp vận hành 3 người, trang bị 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227mm với tầm bắn 70-80km. Mỹ còn sở hữu một phiên bản ống phóng khác của HIMARS được trang bị đạn tên lửa chiến thuật ATACMS mang đầu đạn chùm và đầu đạn đơn có tầm bắn lên tới 300km. Hệ thống có thể được vận chuyển dễ dàng bằng máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster, C-5 Galaxy và C-130 Hercules.
* Italy “một mình một ngựa” trong cuộc đua cung cấp trực thăng cho Anh
Theo FlightGlobal, nhà thầu Leonardo đến từ Italy và sản phẩm trực thăng AW149 đang dẫn đầu chương trình mua sắm trực thăng hạng trung mới (NMH) của quân đội Anh. Các nhà thầu còn lại là Airbus (với trực thăng H175M) và Sikorsky (với trực thăng S-70M Black Hawk) nhiều khả năng dừng bước.
Bộ Quốc phòng Anh mở gói thầu NMH nhằm cải tổ đội máy bay trực thăng cánh quạt, trong đó thay thế nhiều mẫu trực thăng cũ bằng một nền tảng thích ứng có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như vận chuyển quân, tìm kiếm cứu nạn và sơ tán y tế.
Mặc dù con số chính xác vẫn chưa được tiết lộ, nhưng ước tính chi phí cho chương trình này lên tới vài tỷ bảng Anh, bao gồm việc mua sắm 30-50 trực thăng, cùng công tác bảo trì và vận hành trong suốt vòng đời của máy bay.
|
Trực thăng AW149. Ảnh: Leonardo |
Theo yêu cầu của phía Anh, trực thăng mới cần được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, các tính năng sống sót được cải thiện và khả năng hoạt động trong nhiều môi trường khác nhau, từ đô thị đến địa hình khắc nghiệt. Hơn nữa, chúng còn được tích hợp các hệ thống liên lạc hiện đại và nhiều thiết bị hỗ trợ dẫn đường tiên tiến.
Đối với nhà thầu Leonardo, công ty đưa ra kế hoạch sản xuất trực thăng AW149 tại cơ sở Yeovil ở hạt Somerset phía Tây Nam nước Anh. Tại đây sẽ diễn ra các công đoạn từ sản xuất đến lắp ráp và tích hợp trang thiết bị lên máy bay. Cách tiếp cận này bảo đảm rằng London có thể duy trì khả năng sản xuất và hỗ trợ đội bay của riêng mình, cũng như tạo việc làm cho người dân địa phương. Đề xuất của Leonardo còn nhấn mạnh việc đặt hàng linh kiện từ các nhà cung cấp tại Anh, qua đó củng cố thêm ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và quốc phòng sở tại.
AW-149 được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ trên chiến trường như vận chuyển quân, sơ tán y tế, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ lực lượng đặc biệt, hộ tống vũ trang, chỉ huy và kiểm soát (C2), thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).
Nó có thể bay với vận tốc tối đa 278km/giờ, phạm vi hoạt động 370km và trần bay hơn 1.820m. Kíp điều khiển của AW-149 gồm 2 người, có thể chở tới 18 binh sĩ. AW-149 có thể được trang bị vũ khí tùy thuộc vào tính chất từng nhiệm vụ. Trực thăng có giá treo có thể mang theo từ 7 đến 19 ống phóng rocket cỡ 70mm và 81mm, tên lửa không đối không và tên lửa không đối đất. Phương tiện này còn được trang bị súng máy 20mm hoặc súng máy 12,7mm. Cabin của trực thăng có thể tích hợp súng máy đa năng 7,62mm gắn trên cửa sổ.
MINH ANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.