* Mỹ tiếp tục thử nghiệm bom diệt tàu Quicksink

Defense News dẫn thông báo của không quân Mỹ cho biết, Phòng nghiên cứu của lực lượng này (AFRL) vừa tiến hành thử nghiệm thành công bom diệt tàu Quicksink đánh chìm tàu hàng mục tiêu di chuyển trên khu vực Vịnh Mexico.

Hiện quá trình nghiên cứu, phát triển loại bom này đang được tiến hành khẩn trương.  

Quân đội Mỹ đang theo đuổi dự án bom diệt tàu Quicksink. Ảnh: Popular Mechanics

Thực chất bom diệt tàu Quicksink được hoán cải từ bom GBU-31/B JDAM, song vẫn giữ nguyên hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ bởi định vị vệ tinh ở đuôi. Tuy nhiên, vũ khí được trang bị đầu dò loại mới lắp ở mũi, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết trên biển. Đầu dò này dường như được trang bị radar và ứng dụng thiết kế đa năng, cho phép quả đạn tìm kiếm và khóa mục tiêu trong quá trình lao tới mục tiêu.

Không quân Mỹ chưa cho biết, liệu Quicksink có được điều chỉnh đầu nổ để tối ưu cho nhiệm vụ tấn công tàu chiến hay không. Lý do là đến nay mục tiêu thử nghiệm đối với bom này chỉ là tàu hàng dân sự, không phản ánh đặc tính của các tàu chiến.

Mặt khác, GBU-31/B JDAM thông thường có tầm bay hiệu quả 25km, nên máy bay mang đạn phải áp sát mục tiêu trước khi thả bom. Điều này khiến Quicksink nhiều khả năng chỉ được sử dụng để tấn công các tàu ít được bảo vệ hoặc trong khu vực đã bị chế áp phòng không.

* Ba Lan mua hàng trăm tên lửa không đối không AIM-120

Theo Army Recognition, Ba Lan đã ký một hợp đồng lớn để mua hàng trăm tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM từ Mỹ, với đợt giao hàng đầu tiên dự kiến vào đầu năm 2025, qua đó đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ quốc phòng ngày càng sâu sắc giữa hai nước.

Trong tuyên bố của mình, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Paweł Bejda nhấn mạnh tầm quan trọng của thương vụ này trong việc tăng cường khả năng sẵn sàng phòng thủ của Warsaw, đặc biệt là trong bối cảnh các thách thức an ninh gia tăng ở Đông Âu. Việc mua những tên lửa này sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe lẫn phòng thủ của Ba Lan và nếu cần, có thể ứng phó với các mối đe dọa trên không.

Không quân Ba Lan tới đây sẽ được trang bị thêm nhiều tên lửa AIM-120. Ảnh: European Security & Defence

Tên lửa AIM-120 có thể được tích hợp với nhiều loại máy bay chiến đấu, bao gồm tiêm kích F-16, hiện là nền tảng của không quân Ba Lan cũng như tiêm kích tàng hình F-35 trong tương lai.

Những năm gần đây, Ba Lan đã cam kết đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng quốc phòng, do lo ngại về động lực an ninh khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine và căng thẳng gia tăng với Nga.

Tên lửa AIM-120 đã được nâng cấp rất nhiều lần và vẫn là vũ khí không chiến chủ lực của Không quân Mỹ, Anh, Đức... và nhiều nước thành viên NATO khác. Tên lửa có đầu dẫn đường chủ động, mang lại khả năng “bắn và quên”, giảm thiểu rủi ro cho máy bay mang phóng. Trước khi bắn, tọa độ mục tiêu sẽ được truyền tới hệ thống dẫn đường quán tính của tên lửa treo trên tiêm kích.

Các phiên bản AIM-120 nhìn chung đều có kích thước tương đương nhau, sự khác biệt chủ yếu nằm ở những cải tiến động cơ, thuốc phóng, hệ thống dẫn đường... AIM-120 tiêu chuẩn có trọng lượng 152kg, dài 3,7m, đường kính thân 180mm. Tầm bắn phiên bản đời đầu A/B của AIM-120 chỉ đạt mức 55-75km, tuy nhiên từ phiên bản AIM-120C-5 thì tầm bắn tăng lên đến 105km và đến AIM-120D thì tăng lên 160km.

* Không quân Australia nhận UAV MQ-4C Triton đầu tiên

Military Leak đưa tin, tập đoàn Northrop Grumman của Mỹ đã bàn giao UAV MQ-4C Triton đầu tiên cho không quân Hoàng gia Australia tại căn cứ Tindal thuộc Vùng lãnh thổ Bắc Australia.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Australia đã quyết định mua 4 chiếc MQ-4C Triton nhằm tăng cường khả năng giám sát và ứng phó hàng hải của lực lượng không quân. Những chiếc còn lại sẽ được hoàn thiện, thử nghiệm và chuyển giao cho phía không quân Australia vào thời gian chưa được tiết lộ.

UAV MQ-4C Triton sẽ mang lại năng lực giám sát đáng kể cho Không quân Hoàng gia Australia. Ảnh: Riotact 

MQ-4C Triton là loại UAV công nghệ cao được phát triển từ mẫu RQ-4 Global Hawk của không quân Mỹ, có nhiệm vụ cung cấp dữ liệu tình báo, trinh sát và do thám theo thời gian thực tại các vùng đại dương rộng lớn và duyên hải gần bờ, cũng như tham gia hoạt động tuần thám biển, tìm kiếm cứu hộ và hỗ trợ máy bay cảnh báo sớm.

Máy bay dài 14,5m, có sải cánh 40m và khối lượng rỗng 6,7 tấn. Một chiếc MQ-4C có thể làm nhiệm vụ liên tục trong 30 giờ, tầm hoạt động 15.200km, trần bay 18km và đạt tốc độ tối đa 575km/giờ. Mỗi hệ thống có giá hơn 180 triệu USD. Máy bay được trang bị radar và các cảm biến quang học và điện tử tiên tiến, cho phép quan sát khoảng cách lớn và truyền thông tin qua vệ tinh tới các hệ thống trên không, trên bộ hoặc trên biển.

MINH ANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.