“Tôi cho rằng, chúng ra sẽ sớm tiến hành đàm phán về hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược mới. Điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Nga và Mỹ, mà là đối với toàn cầu”, ông Robert O'Brien cho biết.

Theo lời ông Robert O'Brien, ưu tiên hàng đầu của hai bên sẽ làm sớm đạt được thỏa thuận liên quan tới START, hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ. Washington thể hiện mong muốn không chỉ ký hiệp định kiểm soát vũ khí mới với Nga, mà còn với nhiều quốc gia khác để mở rộng quy mô ảnh hưởng của hiệp định lên mức toàn cầu.

 
START mới đóng vai trò là hiệp ước an ninh toàn cầu mới không chỉ đối với Nga và Mỹ.

Trước đó, cuối tháng 12-2019, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng tuyên bố, Moscow muốn khởi động tiến trình đàm phán về START mới càng sớm, càng tốt và không cần điều kiện tiên quyết trong quá trình đàm phán. START hiện tại đã được ký từ năm 2010 và có giá trị tới tháng 2-2021.

START quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai và chưa được triển khai. Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng hai lần mỗi năm.

Nga coi START là “hòn đá tảng đối với an ninh thế giới”, nhưng Washington nhiều lần đề cập khả năng không gia hạn hiệp ước này. START có thể được tự động gia hạn tối đa 5 năm nếu có sự nhất trí của cả Nga và Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin không ít lần cảnh báo Mỹ rằng việc từ chối gia hạn Hiệp ước New START sẽ gây thêm nhiều hiểm họa và bất ổn cho an ninh thế giới, nhấn mạnh đây là “hiệp ước duy nhất chúng ta có nhằm tránh rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện”.

TUẤN SƠN (theo RIAN)