Phi đội MQ-9 Reaper sẽ nằm trong biên chế của Liên đội Tác chiến Viễn chinh số 52 thuộc Không quân Mỹ đóng tại căn cứ không quân Miroslawiec ở phía tây bắc Ba Lan.  

Chuẩn tướng Greg Semmel, trợ lý Tư lệnh Bộ tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi (USAFE-AFAFRICA) cho biết, thay đổi quan trọng trong nguyên tắc hoạt động của phi đội MQ-9 Reaper ở Ba Lan là chúng có thể được vận hành bởi cả nhà thầu dân sự lẫn binh sĩ Mỹ. Sự linh hoạt này sẽ giúp phi đội UCAV thực hiện nhiều nhiệm vụ mới và đa dạng hơn.

Một chiếc MQ-9 Reaper của Không quân Mỹ. Ảnh: airforcetimes.com.

Tướng Semmel không tiết lộ số lượng MQ-9 Reaper của quân đội Mỹ ở quốc gia Trung Âu này, đồng thời khẳng định phía Mỹ sẽ phối hợp cùng với Không quân Ba Lan để tăng cường các hoạt động giám sát trong khu vực bằng MQ-9 Reaper nhằm góp phần giữ vững môi trường ổn định, an ninh quốc tế.

Theo Defense News, từ tháng 3-2018, đây là lần thứ hai Mỹ đưa MQ-9 Reaper đến châu Âu. Trước đó, Lầu Năm góc cũng triển khai máy bay MQ-9 Reaper tới căn cứ không quân Larissa của Hy Lạp.

Ra đời từ năm 2001 và được sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 2007. MQ-9 Reaper là chiếc máy bay không người lái trinh sát-tấn công hiện đại nhất thế giới tính đến thời điểm này. Thời gian qua, chúng thường được Không quân Mỹ sử dụng tại các điểm nóng toàn cầu có sự hiện diện của quân đội nước này. 

Với các cảm biến quang điện tử hiện đại, MQ-9 Reaper có thể tự động tìm kiếm, phát hiện, theo dõi và dẫn đường chính xác cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu.

MQ-9 Reaper bay liên tục 14 tiếng, trang bị 7 giá treo để mang theo 14 tên lửa diệt tăng AGM-114 Hellfire, tên lửa đối không AIM-92 Stinger, bom thông minh GBU-12 hoặc GBU-38, hay các thiết bị chuyên dụng để áp chế hệ thống điện tử đối phương.

PHẠM HUY (theo UPI)