AI sẽ giúp phi công chính đơn giản hóa các hoạt động điều khiển và quản lý máy bay, đặc biệt là cảnh báo và đưa ra các lựa chọn tối ưu phù hợp với thực trạng của máy bay. Với sự hỗ trợ của AI, khả năng sống sót của NGAD được nâng lên đáng kể, thậm chí là vượt xa vai trò của các phi công con người.

Hiện tại, xu hướng tích hợp một phần hoặc toàn bộ AI lên phương tiện chiến đấu đang trở thành xu thế ở phương Tây và Mỹ. Nhờ AI, phương tiện chiến đấu có khả năng thực hiện một phần nhiệm vụ hoặc tự động hóa hoàn toàn. Vấn đề tạo ra làn sóng tranh luận trong giới chuyên gia quân sự quốc tế. Việc đưa AI vào các vũ khí hoặc phương tiện có khả năng sát thương ẩn chứa nhiều nguy cơ chưa thể kiểm soát. Kịch bản “ngày tận thế” tương tự như trong viễn cảnh bộ phim “Kẻ hủy diệt” của Hollywood được coi là tham chiếu để nhiều chuyên gia quân sự cảnh báo về việc lạm dụng AI trong lĩnh vực vũ khí quân sự.

leftcenterrightdel
AI sẽ là yếu tố quan trọng tạo ra lợi thế của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

Theo thông tin công khai, các công nghệ và phác thảo thiết kế về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 tại Mỹ đang được âm thầm thực hiện. Đây là cuộc đua giữa hàng loạt ông lớn trong lĩnh vực không quân quân sự như Boeing, Lockheed Martin… trong gói thầu cung cấp máy bay chiến đấu mới cho không quân Mỹ.

Theo yêu cầu sơ bộ của giới chức quân sự Mỹ, máy bay chiến đấu thế hệ 6 có thể được trang bị vũ khí laser, chùm tia định hướng năng lượng cao, đồng thời sẽ được ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực điện tử để biến máy bay thành thiết bị cảm biến lớn mà không cần sử dụng đến hệ thống radar như thông thường.

Máy bay tiêm kích thế hệ thứ 6 của Mỹ có khả năng tự xử lý và phân tích các thông tin thu được mà không cần đến sự can thiệp của con người; có khả năng ứng dụng hệ thống tự động nhận định mục tiêu và tốc độ bay siêu âm (gấp 5 lần vận tốc âm thanh)... Dự kiến, máy bay chiến đấu tương lai mới có thể xuất hiện vào cuối thập niên 2030.

leftcenterrightdel
Hình ảnh về nguyên mẫu NGAD do hãng chế tạo Lockheed Martin phát triển.

Hồi tháng 9-2020, Trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ phụ trách vấn đề Mua sắm vũ khí, trang bị, Will Roper cho biết, trong khuôn khổ chương trình NGAD, ít nhất đã có một nguyên mẫu máy bay chiến đấu mới đã tham gia bay thử nghiệm. Ông Will Roper cho biết thêm, nguyên mẫu máy bay chiến đấu mới được áp dụng nhiều công nghệ hàng không quân sự đặc biệt, trong đó có hệ thống điều khiển hàng không quân sự số hóa hoàn toàn. Toàn bộ hệ thống được thử nghiệm trên khung gầm máy bay huấn luyện eT-7 Red Hawk. Với tiến độ hiện tại, Mỹ có thể tiếp tục là quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, tương tự như dòng máy bay thế hệ thứ 5 trước đó như: F-22 Raptor và F-35 Lightning II.

TUẤN SƠN (theo Aviation Week)