Đây là một phần kế hoạch phát triển, sản xuất và trang bị các dòng trực thăng mới nằm trong chương trình Máy bay lên thẳng tương lai (FVL) của lực lượng này vào đầu những năm 2030.
Thời gian qua, Lục quân Mỹ đã xem xét ưu tiên một loại trực thăng hạng trung để thay thế cho các máy bay UH-60 Black Hawks và AH-64 Apache trong biên chế; đồng thời có ý định mua một loại trực thăng do thám vũ trang để lấp khoảng trống do máy bay OH-58 Kiowa Warrior (bị loại biên từ năm 2014) để lại.
Chuẩn tướng Wally Rugen, Giám đốc chương trình FVL cho biết, Lục quân Mỹ dự tính sẽ nhận được từ 4 đến 6 mẫu thiết kế vào tháng 6-2019, sau đó chọn ra 2 trong số chúng để xây dựng nguyên mẫu vào năm tài khóa 2021. Các nguyên mẫu sẽ được bay thử vào tháng 11-2022.
 |
Một chiếc S-97 Raider. Ảnh: Forbes. |
Hiện tại, Lục quân Mỹ đang thiếu một loại trực thăng có thể bí mật tiếp cận mục tiêu, vượt qua ra-đa của đối phương, đồng thời thích hợp với tác chiếm trong môi trường đô thị để thực hiện nhiệm vụ do thám cũng như tấn công hạng nhẹ.
Một trong những nhà thầu là Sikorsky (thuộc hãng Lockheed Martin) dự định áp dụng công nghệ trên mẫu X2 để đưa ra thiết kế trực thăng mới. Trước đó, trực thăng S-97 Raider có rotor đồng trục với 4 cánh quạt cho mỗi rotor của Sikorsky cũng dựa trên X2. Đây là máy bay đa năng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như trinh sát, hỗ trợ đổ bộ đường không hay tấn công hạng nhẹ.
Trong khi đó, hãng Bell cũng xác nhận sẽ tham gia vào chương trình của Lục quân Mỹ. Năm ngoái, hãng này công bố thử nghiệm thành công với chiếc máy bay cánh quạt nghiêng lưỡng dụng V-280 Valor, có thể thay thế nhiều loại trực thăng hiện tại như Sikorsky UH-60 Black Hawk, AH-64 Apache và CH-47 Chinook. Cả S-97 Raider và V-280 Valor đều hứa hẹn là những mẫu trực thăng tương lai của Lục quân Mỹ.
Theo tướng Rugen, Lục quân Mỹ sẽ để các nhà thầu tự thiết kế sản phẩm một cách linh hoạt nhưng có yêu cầu thân máy bay và đường kính cánh quạt dài không quá 40ft (khoảng 12,2m). Việc thiết kế linh hoạt sẽ giúp nhà thầu cũng như Lục quân Mỹ có thể nhanh chóng thay đổi cấu hình hoặc trang thiết bị phối thuộc trên máy bay để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ tác chiến tương lai.
Đây là “bài học” mà Lục quân Mỹ đã đúc kết ra được sau 3 lần không thể tìm được mẫu trực thăng do thám-tấn công theo kế hoạch. Trong đó, lần gần đây nhất là vào năm 2004 khi Lục quân Mỹ hủy bỏ chương trình phát triển trực thăng Comanche do Boeing và Sirkorsky thực hiện. Kể từ năm 1983, Lầu Năm Góc đã chi 6,9 tỷ USD cho dự án phát triển RAH-66 Comanche nhưng sau hơn 2 thập kỷ, họ chỉ có 2 chiếc loại này. Lý do hủy được đưa ra là loại máy bay này đã trở nên lỗi thời trước những mối đe dọa mới trên chiến trường, khi mà tên lửa và hệ thống phòng không ngày càng trở nên tinh vi hơn. Không những vậy, Lục quân Mỹ cũng phải bồi thường hàng trăm triệu USD vì phá vỡ hợp đồng.
PHẠM HUY (theo Defense News)