Nếu các thử nghiệm thành công, IBCS sẽ trở thành hệ thống phòng thủ tên lửa mới của quân đội Mỹ.

Trang tin quân sự Defense News đăng tải, tham gia thử nghiệm hệ thống IBCS là hơn 700 chuyên gia, nhân viên quân sự. Để đảm bảo an toàn dịch tễ cho quá trình thử nghiệm, quân đội Mỹ phân nhóm các chuyên gia để thử nghiệm các lĩnh vực riêng biệt như hệ thống radar, đạn tên lửa đánh chặn…

Hệ thống IBCS được coi là tương lai của hệ thống phòng không Mỹ.

Giới chức quân sự Mỹ kỳ vọng IBCS sẽ đóng vai trò như hệ thống kết nối toàn bộ các tổ hợp vũ khí phòng không của Mỹ trong một nền tảng hợp nhất. Điều này đồng nghĩa việc các thành phần trong hệ thống phòng không có thể hoạt động nhờ thông tin được thu thập từ các thành phần khác để nâng cao hiệu quả chiến đấu tổng thể. Cụ thể, tổ hợp tên lửa Patriot có thể khai hỏa nhờ các thông tin thu thập được của THAAD hay Aegis.

Chịu trách nhiệm thực hiện IBCS là hãng chế tạo Northrop Grumman. Qua các thực nghiệm hãng chế tạo Mỹ tin rằng, mạng lưới hệ thống phòng không hợp nhất như IBCS sẽ giúp đối phó tốt với các mối nguy cơ bất đối xứng trong tương lai, đặc biệt là các mục tiêu cỡ nhỏ và hoạt động ở độ cao thấp như tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái. Việc tích hợp các thành phần radar cảnh giới và đánh chặn trong một hệ thống hợp nhất sẽ giúp mở rộng phạm vi phòng thủ vượt xa phạm vi ngoài đường chân trời.

Liên quan tới IBCS, lãnh đạo chương trình Quân đội tương lai của Mỹ, tướng John M. Murray cho biết, quân đội Mỹ đang thử nghiệm tích hợp các tổ hợp vũ khí phòng không tầm thấp SHORAD, Patriot và THAAD, cũng như tổ hợp phòng thủ tên lửa Iron Dome nhập khẩu từ Israel trong một hệ thống chỉ huy hợp nhất. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là sự không đồng nhất trong hệ thống điều khiển khiến công việc này diễn ra rất chậm chạp và khó khăn.

Vấn đề khó khăn khi thực hiện IBCS chính là sự không đồng bộ trong hệ thống điều khiển của các thành phần vũ khí phòng không hiện có của quân đội Mỹ.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, dù lợi ích IBCS là rất lớn, nhưng những vấn đề công nghệ khi tích hợp toàn bộ các tổ hợp vũ khí phòng không trong một hệ thống hợp nhất theo quy tắc đồng đẳng là rất khó khăn. Thực tế đã chứng minh, các thử nghiệm IBCS hồi năm 2016 đã thất bại thảm hại tới mức quân đội Mỹ phải lùi kế hoạch thử nghiệm hệ thống này tới năm 2020. Nếu thử nghiệm IBCS lần này diễn ra thuận lợi, hệ thống này sẽ được ứng dụng ngay trong năm 2022.

TUẤN SƠN (theo Breaking Defense)