Với chi phí xây dựng thiết kế ban đầu của máy bay Quarterhorse trị giá 60 triệu USD. Dòng máy bay siêu vượt âm tương lai được kỳ vọng là thiết bị bay siêu thanh có khả năng thu hồi đầu tiên trên thế giới. Hiện tại, do những rào cản về công nghệ, các loại thiết bị bay siêu vượt âm vẫn chỉ là các loại tên lửa, phương tiện lượn ngoài tầng khí quyển và chưa có thiết bị bay có người lái nào đúng nghĩa đạt được các tiêu chuẩn về phương tiện bay có người lái.
 |
Mô hình của máy bay siêu vượt âm Quarterhorse. |
Theo thông tin từ hãng chế tạo Hermeus, cơ sở đầu tiên để phát triển máy bay Quarterhorse chính là việc hoàn thiện động cơ phản lực chu trình hỗn hợp được xây dựng trên cơ sở động cơ General Electric J85. Các thông tin khác về máy bay Quarterhorse vẫn được giữ bí mật.
“Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi và quá trình thử nghiệm không phát sinh các vấn đề kỹ thuật, Quarterhorse có thể trở thành máy bay siêu vượt âm có thể tái sử dụng đầu tiên trên thế giới”, đại diện hãng Hermeus cho biết.
Tạp chí quân sự The Drive của Mỹ đánh giá, Quarterhorse có thể đạt tốc bay tới Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) ở độ cao lớn. Với vận tốc này, hành trình bay từ thành phố New York (Mỹ) đến Paris (Pháp) sẽ chỉ mất khoảng 90 phút, thay vì 7 giờ 30 phút như máy bay hành khách thương mại hiện tại.
Cùng với đó, do dựa trên nền tảng công nghệ hàng không dân dụng, công nghệ áp dụng trên máy bay Quarterhorse có thể áp dụng trên các thiết bị bay siêu vượt âm khác. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với Không quân Mỹ khi các chương trình phát triển thiết bị bay siêu vượt âm đang gặp nhiều vấn đề kỹ thuật do rào cản công nghệ và vật liệu chế tạo.
Trong tháng 7-2021, Không quân Mỹ đã thất bại trong lần thử nghiệm thứ 2 của tên lửa siêu vượt âm phóng từ máy bay AGM-183A (ARRW). Theo đó, trong vụ phóng thử hôm 28-7, nguyên mẫu tên lửa AGM-183A gặp trục trặc sau khi tách khỏi máy bay B-52 và rơi xuống biển trong lần phóng thử nghiệm thứ hai.
 |
Tên lửa AGM-183A thử nghiệm trên máy bay chuyên chở B-52H. |
"Tên lửa tách khỏi máy bay và thể hiện đầy đủ quá trình khởi động gồm thu tín hiệu GPS, cắt dây tín hiệu và chuyển tiếp nguồn điện từ máy bay sang quả đạn. Tên lửa cũng cho thấy hoạt động của cánh lái và động tác cơ động nhằm tránh va chạm với máy bay phóng, bảo đảm an toàn cho tổ bay. Tuy nhiên, động cơ tên lửa không kích hoạt", Không quân Mỹ công bố thông tin về vụ phóng thử tên lửa AGM-183A thất bại.
TUẤN SƠN (tổng hợp)