“Mục đích chính của chương trình là hoàn thiện và phát triển các công nghệ đáp ứng cho khả năng chiến đấu trong tương lai; duy trì ưu thế chiến thuật, chiến lược nhờ lợi thế của công nghệ”, Bộ Quốc phòng Israel khẳng định.

Nguyên mẫu thử nghiệm công nghệ của chương trình Carmel APV. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel.

Các thông tin cụ thể về xe tăng tương lai dành cho Quân đội Israel chưa được xác định rõ do các nguyên mẫu vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và đánh giá. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Israel yêu cầu xe tăng chủ lực mới phải đáp ứng các yêu cầu nhanh nhẹn, hiệu quả, mang công nghệ đột phá, nhỏ gọn và dễ điều khiển. Ngoài ra, phương tiện chiến đấu mới phải có giá thành cạnh tranh so với các dòng xe tăng hiện tại. Xe tăng mới phải giảm số lượng thành viên kíp lái xuống còn 2 thành viên. Để đáp ứng yêu cầu này của Bộ Quốc phòng Israel Elbit, Rafael và Israel Aerospace Industries đã đưa ra giải pháp tăng cường khả năng nhận định tình huống chiến trường của kíp lái bằng công nghệ trí thông minh nhân tạo. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận của mỗi đơn vị là khác nhau.

Trong khi Elbit áp dụng sâu công nghệ thực tế ảo với việc trang bị cho thành viên kíp lái mũ điều khiển Iron Vision có công nghệ tương tự như loại dành cho phi công lái máy bay F-35, thì Rafael lại sử dụng công nghệ tự hành để giảm thiểu thao tác của kíp lái, giúp họ có thể tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ chiến đấu. Israel Aerospace Industries thì cố gắng đơn giản hóa thao tác của kíp lái với hệ thống quan sát toàn cảnh và đặc biệt là hệ thống điều khiển được đơn giản hóa và sử dụng tay cầm tương tự như máy chơi game Xbox. Giao diện điều khiển mới thân thiện hơn với kíp lái và giúp họ tác chiến trong điều kiện và không gian thoải mái nhất có thể.

Công nghệ mũ thực tế ảo.
AI hỗ trợ điều khiển.
Đơn giản hóa điều khiển của kíp lái được áp dụng trên nguyên mẫu chương trình Carmel APV. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel.

Những sáng kiến của Elbit, Rafael và Israel Aerospace Industries nhận được đánh giá rất cao của giới chức quân sự Israel.

“Kết quả của chương trình Carmel sẽ đóng vai trò quan trọng; là nền tảng công nghệ và phương thức áp dụng trong các phương tiện chiến đấu có người lái và không có người lái tương lai”, Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố.

Theo kế hoạch, nguyên mẫu cuối cùng của chương trình Carmel APV sẽ được chọn trong 2 năm tới và nó sẽ thay thế dòng xe tăng Merkava đã phục vụ trong biên chế Quân đội Israel 40 năm qua.

Hình ảnh thử nghiệm của chương trình Carmel APV. Nguồn: Bộ Quốc phòng Israel.

TUẤN SƠN (theo vpk)